Top

Hủy một gói thầu Metro Bến Thành-Tham Lương: Rà soát diện rộng

Cập nhật 02/02/2019 13:00

 Những sai phạm trong tổ chức đấu thầu cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để, không để lây lan những tấm gương xấu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị TP.HCM phải làm rõ tận cùng những sai phạm liên quan tới quyết định hủy gói Tổng thầu thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (CP0) thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

                                   
Đấu thầu sai gây rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh: Sputnik

Theo ông Hòa, UBND TP chỉ đạo hủy bỏ gói thầu đồng thời yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng qui định pháp luật về đấu thầu là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khi TP.HCM xác định việc phê duyệt hồ sơ mời thầu có nội dung không tuân thủ qui định của pháp luật dẫn đến buộc phải hủy thầu tức là đã xác định có sai phạm, như vậy thì phải bị xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan.

Ông Hòa nhận định, những sai phạm đã được chỉ ra tại dự án đã cho thấy có dấu hiệu của hiện tượng thông thầu. Như vậy, trách nhiệm của UBND TP.HCM với dự án này không còn là giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị làm rõ sai phạm nữa mà cần phải làm rõ cả những sai phạm liên quan tới lãnh đạo, tập thể trong Ban quản lý dự án nói trên.

"Trước hết, cần phải trả lời vì sao TP.HCM phải hủy gói thầu tại dự án? Sai phạm trên có phải do thông thầu, đấu thầu sai không? Việc tổ chức thông thầu, đấu thầu sai vì mục đích gì? Trách nhiệm của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tới đâu? Cơ quan này đã làm hết trách nhiệm chưa?

Quan trọng hơn cả là đơn vị trúng thầu dự án đã từng tham gia những gói thầu nào? Ở các gói thầu đó có sai phạm không? Trường hợp có sai phạm thì có xem xét hủy bỏ kết quả đã trúng thầu trước đó không?...

Tiếp sau, UBND TP.HCM phải tổ chức rà soát lại toàn bộ các dự án do Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đứng ra tổ chức đấu thầu cũng như rà soát toàn bộ các dự án liên quan tới nhà thầu bị hủy bỏ tại dự án này. Dự án nào sai phải hồi tố, xử lý, không chỉ tập trung vào một dự án.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng phải được làm rõ", ông Hòa nói rõ.

Theo ông Hòa, xử lý nghiêm trách nhiệm liên quan tới những sai phạm trong tổ chức đấu thầu dự án là lời cảnh cáo cho các nhóm lợi ích còn đang nhen nhóm ý đồ lợi dụng đấu thầu dự án để trục lợi. Đồng thời, đó cũng là bước khởi đầu để các cấp, các ngành, địa phương cùng vào cuộc chống lại những hành vi gian lận, sai trái trong tổ chức đấu thầu, đưa ra trước pháp luật những dự án mắc sai phạm, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức làm sai gây hậu quả, thất thoát nghiêm trọng.

Ông cho biết, tổ chức đấu thầu trong các dự án xây dựng lâu nay là nỗi ám ảnh của các nhà thầu chân chính. Dư luận ồn ào, đồn đoán nhiều quanh câu chuyện các nhóm lợi ích, sân sau liên kết, bắt tay, thông đồng với nhau sử dụng quân xanh, quân đỏ để loại bỏ bớt các nhà thầu, chỉ lựa chọn những nhà thầu được định trước.

Bằng các mối quan hệ, các chiêu trò khác nhau mà người chấm thầu, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay với nhau, phân biệt đối xử trong khâu chấm thầu hoặc khi tư vấn đấu thầu tạo lợi thế cho nhà thầu này bằng cách bỏ qua những lỗi chính yếu, để rò rỉ thông tin trước nhưng lại triệt hạ nhà thầu khác bằng cách “bới lông tìm vết”. 

Ông Hòa cho rằng, hành vi  thông đồng, cấu kết, dàn xếp với nhau của các bên tham gia đấu thầu nhằm để một bên thắng thầu, làm mất đi tính cạnh tranh công bằng, minh bạch của đấu thầu dẫn tới rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Không những không thể lựa chọn được nhà thầu có chất lượng, có trình độ, có năng lực thực sự mà giá trị gói thầu cũng bị đẩy lên cao trong khi chất lượng không tương xứng. Đồng thời, tạo kẽ hở cho các cá nhân, nhóm lợi ích rút ruột, trục lợi...

Nhiều nhà thầu đã cho rằng, việc triệt hạ nhà thầu có năng lực ở vòng chấm kỹ thuật khiến cho các nhà thầu “trong định hướng” gần như không còn đối thủ tại vòng chấm tài chính và hệ quả là, giá trúng thầu luôn sát với dự toán, với tỷ lệ giảm giá thầu rất thấp.

Ông Hòa cho rằng, đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị đẩy vốn lên thời gian qua, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, và gây thiệt hại cho lợi ích xã hội.

Cũng chính bằng những chiêu trò, cách thức tổ chức nói trên mà một số nhà thầu đã được hưởng lợi rất lớn. Đã thế, những lình xình khiếu kiện ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân đầu tư công và tất nhiên, vì thế làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư khi công trình chậm đưa vào khai thác.

Do đó, ông Hòa nhấn mạnh, những sai phạm trong tổ chức đấu thầu cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để, không để lây lan những tấm gương xấu. 


Diaoconline.vn – Theo Báo Đất Việt