Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc - đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế trục Xa lộ Hà Nội cho biết: Tuyến đường này có một vị trí rất quan trọng đối với chủ trương phát triển đa trung tâm của TP khi mà nội thành sẽ được kết nối với các trung tâm chuyên ngành ở quận 9 và quận Thủ Đức như: Trung tâm TDTT Rạch Chiếc, dự kiến rộng 200-300ha, Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, rộng 300-400ha…
Hệ thống cầu đường đồng bộ giúp giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ thành phố.
|
Phát triển cụm đô thị tại các đầu mối giao thông
Chính vì vậy, đặc điểm kiến trúc đô thị dọc Xa lộ Hà Nội sẽ là những cụm đô thị nén ở ngay tại vị trí của các trung tâm này. Trong các cụm đô thị nén sẽ bố trí các ga vận tải hành khách công cộng thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, chạy dọc xa lộ Hà Nội. Tại các nhà ga cũng sẽ có một mạng lưới xe buýt đưa đón khách đi các khu vực khác của thành phố. Thiết kế của các nhà ga sẽ hiện đại, thân thiện với môi trường và là điểm nhấn về kiến trúc cho cả khu vực, vừa tạo cảnh quan, vừa hấp dẫn người dân sử dụng vận tải công cộng. Ranh giới để thực hiện thiết kế đô thị này là suốt dọc trục Xa lộ Hà Nội bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai dài gần 17km với chiều rộng khoảng 100m-300m.
Còn ở những phần đất công cộng lớn sẽ được nghiên cứu để tìm ra các thiết kế đô thị phù hợp trên tinh thần cố gắng tạo nét riêng biệt cho từng kiến trúc nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp của TP, nhất là các khu vực nằm gần bờ sông.
Chỉ còn giao thông công cộng
Tương tự Xa lộ Hà Nội, phạm vi nghiên cứu thiết kế đô thị đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi cũng sẽ bắt đầu từ đầu tuyến đường: Khu vực nối với sân bay Tân Sơn Nhất và chạy suốt tuyến đến điểm cuối là nút giao thông Linh Xuân (quận Thủ Đức). Chiều rộng 100m-300m.
Hiện tại, theo Quy hoạch Phát triển GTVT đến 2025 của TP, hướng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi không có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… Do vậy, trước mắt Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất xây dựng một tuyến xe buýt con thoi. Tuy nhiên, tại điểm giao cắt giữa đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi với tuyến metro đi về quận Gò Vấp, Hóc Môn sẽ hình thành nhà ga cùng với một trung tâm thương mại, dịch vụ đa chức năng. Nhà ga và khu trung tâm sẽ được xây dựng như là một điểm nhấn về kiến trúc cho toàn khu vực. Riêng khu vực đầu đường, đoạn giao với sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nghiên cứu xây dựng một công trình kiến trúc có giá trị cao để đón chào du khách.
Đặc biệt tại khu vực rạch Xuyên Tâm "đi qua" đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi sẽ được nghiên cứu để bảo tồn cảnh quan sông nước đặc trưng của vùng Nam bộ. Phần đất nằm trên quận Thủ Đức chưa có nhiều công trình kiến trúc sẽ được nghiên cứu xây dựng những chung cư hiện đại với hạ tầng cơ sở, kỹ thuật hiện đại cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: