Top

Hoạt động M&A dự án địa ốc sẽ nhộp nhịp hơn

Cập nhật 13/03/2012 15:20

Theo Công ty TNHH CBRE Việt Nam (có dẫn nguồn stoxplus), trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng giá trị thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đạt khoảng 250 triệu USD, đứng thứ 3, chỉ sau lĩnh vực hàng tiêu dùng và tài chính.

Năm 2012 được kỳ vọng hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp hơn, qua đó tăng tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của thị trường BĐS thời gian tới.

Theo CBRE, lý do dẫn đến khả năng gia tăng hoạt động M&A dự án địa ốc là do phần lớn các công ty phát triển BĐS không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án như dự kiến, buộc phải bán bớt một số dự án trong danh mục đầu tư của mình. Khó khăn tài chính buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc danh mục đầu tư và nguồn nhân lực để thực hiện các dự án còn lại.

Một số doanh nghiệp khác có sức khỏe tài chính khá hơn, tuy không quá bức bách về nguồn vốn, nhưng cũng đã nhận ra rằng, việc triển khai dự án một cách nhanh chóng, thiếu định hướng không còn phù hợp nữa, mà cần phải định vị rõ ràng phân khúc mục tiêu của mình. Từ đó, họ xác định rõ khu vực phát triển quỹ đất, thiết kế quy hoạch và chi tiết từng căn nhà, tiếp thị phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu đã lựa chọn…

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE, để có một thương vụ M&A dự án địa ốc thành công, điều đầu tiên bên bán phải vượt qua tâm lý “bán là thất bại”. Một tỷ lệ lớn chủ dự án ở Việt Nam vẫn còn mang nặng tâm lý này, nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các đơn vị môi giới muốn tìm hiểu để mua lại dự án.

Thứ hai, bên bán cần chuẩn bị hồ sơ dự án rõ ràng và minh bạch về mặt pháp lý. Hầu hết người mua, đặc biệt là các đối tác nước ngoài đều đòi hỏi khắc khe chuyện này, nên phía bán cần chuẩn bị dự án có đầy đủ tính pháp lý, như đã đền bù giải tỏa, đóng tiền sử dụng đất… cũng như sẵn sàng cho các hình thức hợp tác: liên doanh hay hợp đồng hợp tác kinh doanh. Điều này đặc biệt đúng với những đối tác đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore hay Mỹ.

Thứ ba, cần xác định được mức giá chào bán hợp lý. Sai lầm phổ biến từ phía người bán là chào mức giá mình mong muốn (hoặc đã từng mong muốn). Mức giá này thường cao hơn nhiều so với mức thị trường chấp nhận, rồi sau đó nếu có đơn vị hỏi mua sẽ thương lượng. Trong trường hợp này, nếu người mua nhận thấy sự bất hợp lý sẽ không mất thời gian tiếp cận dự án và cơ hội sẽ bị bỏ qua. Lời khuyên cho chủ đầu tư có dự án cần bán vào lúc này là hãy đặt vị trí mình là người mua rồi mới đưa ra mức giá chào bán; hoặc nhờ một công ty tư vấn độc lập định giá.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn BĐS Soho Việt Nam, người đã môi giới thành công hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án BĐS trong 2 năm 2010 – 2011 cho rằng, một khi dự án BĐS giảm giá về mức gần với chi phí bỏ ra làm dự án từ đầu, cộng với chi phí cơ hội theo thời gian, thì trong kinh doanh luôn có người mua chờ sẵn trên thị trường cân nhắc mua vào. Họ sẽ cân nhắc kỹ sản phẩm của dự án có đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong 2 - 3 năm tới hay không.

“Chúng ta còn nhớ, có không ít nhà đầu tư tại Hà Nội đã thu được nhiều lợi nhuận trên thị trường BĐS trong 2 – 3 năm qua. Họ bán ra lúc thị trường nóng sốt và bây giờ là lúc họ đang cân nhắc việc mua vào một số dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Đông cũng đang là những khách mua tiềm năng trên thị trường”, ông Cần nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư