Top

Hoàn thành đường vành đai 2 trước năm 2020

Cập nhật 07/07/2017 11:20

Do nguồn kinh phí từ trung ương nên TP.HCM khó chủ động, HĐND đã biểu quyết thông qua nghị quyết, đẩy mức thời hạn hoàn thành từ năm 2018 (theo dự thảo ban đầu) đến trước năm 2020 (theo nghị quyết chính thức).


Đường vành đai 2 và 3 dự kiến phải hoàn thành trước năm 2020. Tình trạng kẹt xe thường xuyên khu vực vòng xoay Mỹ Thủy đường vành đai 2 gây áp lực lớn cho ngành giao thông vận tải - Ảnh: Tự Trung

Chiều 6-7, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều tờ trình quan trọng liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017…

Trong nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng cuối năm 2017, HĐND TP.HCM xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 triển khai các dự án đầu tư thuộc tuyến đường vành đai 2 và 3, tiến tới đưa vào sử dụng toàn tuyến vành đai 2 và một phần tuyến vành đai 3 trước năm 2020.

Đẩy nhanh các dự án quan trọng

Trước đó, dự thảo nghị quyết đề nghị đặt mục tiêu đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến đường vành đai 2 và 3 vào năm 2018 nhưng giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường không đồng tình.

Ông Cường thông tin hiện đường vành đai 2 với chiều dài 64km vẫn còn 14km chưa khép kín, bao gồm 8km ở phía quận 9, quận Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh. Nhiều đoạn còn chưa giải phóng mặt bằng, hiện đang kêu gọi đầu tư.

Riêng đường vành đai 3 dài 89km hiện chưa làm được kilômet nào. Trách nhiệm đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải và kinh phí từ ngân sách trung ương. TP.HCM đang tập trung phối hợp để thực hiện trước đoạn từ nút giao Thủ Đức qua Q.9 sang Nhơn Trạch.

“Chúng tôi sẽ tập trung cố gắng tối đa. TP có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan nhưng đặt mục tiêu hoàn thành năm 2018 thì không thể thực hiện kịp”, ông Cường nói.

Trước ý kiến của ông Cường, ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng Ban kinh tế-ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường vành đai là mong muốn chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, việc hoàn thành cũng cần thời gian nhiều hơn, bởi nguồn kinh phí từ trung ương nên TP.HCM khó có thể chủ động.

Thống nhất với đề nghị này, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua nghị quyết, trong đó đẩy mức thời hạn hoàn thành từ năm 2018 (theo dự thảo ban đầu) đến trước năm 2020 (theo nghị quyết chính thức).

Ngoài ra, HĐND TP.HCM cũng quyết nghị về việc hoàn thành kế hoạch thi tuyển quốc tế phương án thiết kế quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ, thiết kế đô thị quốc lộ 1, trục cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm...

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND TP.HCM thực hiện cải tạo xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xây trước năm 1975, chỉnh trang đô thị dọc bờ kênh rạch.

Tích cực tìm nguồn 
đầu tư từ xã hội

HĐND TP.HCM đã thông qua nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 171.895,7 tỉ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng). Trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 21.895 tỉ đồng. Vốn ngân sách TP.HCM là 150.000 tỉ đồng.

HĐND giao UBND TP.HCM kiên trì theo dõi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương quan tâm xem xét bố trí đủ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Riêng với nguồn vốn ngân sách TP.HCM, cho phép UBND TP.HCM được huy động đến đâu bố trí cân đối vốn cho các dự án đến đó. Các sở ngành, quận huyện, chủ đầu tư chủ động rà soát phương án chuyển đổi các dự án sang hình thức không sử dụng vốn ngân sách để huy động thêm nguồn lực đầu tư trong xã hội.

Đối với các dự án đầu tư đã đăng ký sử dụng vốn ngân sách và được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, trong quá trình thực hiện nếu có nhà đầu tư quan tâm, đăng ký đầu tư, cho phép UBND TP.HCM điều hành linh hoạt, chuyển đổi sang hình thức đối tác công tư và báo cáo HĐND danh mục dự án chuyển đổi chi tiết tại kỳ họp cuối năm.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh để tăng trưởng kinh tế TP.HCM đạt 8,5 - 8,7% trong năm 2017, UBND TP.HCM cần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính hiệu quả hơn.

Đồng thời tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện để thành phố thực hiện có kết quả nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để TP.HCM phát triển đúng tiềm năng, vị trí, thế mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ