Vụ sập cần cẩu tại công trình thi công cao ốc văn phòng Contec Tower, quận 1- TPHCM làm 6 người bị thương ngày 27-12 khiến nhiều người rùng mình. Chỉ riêng tại TPHCM, hiện có hàng chục công trình nhà cao tầng đang thi công với những chiếc cẩu tháp vươn ra tua tủa.
Thấy phát run!
Hình ảnh phổ biến mà chúng tôi bắt gặp xung quanh các công trình xây dựng nhà cao tầng ở TPHCM sáng 28-12 là người đi đường cứ ngước nhìn lên những chiếc cẩu tháp sừng sững ngay trên đầu. Cách cao ốc Contec Tower không xa, chiếc cẩu tháp của công trình xây dựng cao ốc phức hợp Sailling Tower (cạnh giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur) chốc chốc lại vươn sải tay quét nửa vòng tròn ra đường. Anh Tài, hành nghề xe ôm tại giao lộ, nói: “Tôi đậu xe chờ khách ở đây, thấy cần cẩu chốc chốc lại vươn ra đường mà phát run. Nhưng khách quen chỗ này rồi, mình dời đi cũng khó”.
Chỉ trong buổi sáng, chúng tôi đã ghi nhận được hơn 10 trường hợp dùng cẩu tháp để chuyển vật tư mà tầm với của cánh tay cẩu vươn hẳn ra khỏi khuôn viên công trường, quay tít trên đầu người đi đường hoặc các nóc nhà kế cận. Một người dân ở góc đường Phan Kế Bính, cạnh công trường xây dựng cao ốc 58 Nguyễn Đình Chiểu (quận 1), bức xúc: “Có hôm họ chuyển vật liệu từ ngoài vỉa hè vào, tôi thấy mà lo thay cho người đi đường”.
Sự cố sập cần cẩu khi thi công ngày 27-12 không phải mới lần đầu. Chiều 8-5, một cần cẩu đã bất thần rơi từ tầng 15 công trình xây dựng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, làm hư hỏng nặng 3 căn nhà trên đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Trước đó, tại công trường xây dựng chung cư 21 tầng cũng trên đường Đại Cồ Việt, một chiếc cẩu bị đứt cáp làm rơi mũi khoan dài 30 m, nặng gần 1 tấn, khiến 1 người chết tại chỗ, 1 người khác bị thương.
Chưa khống chế tầm với cẩu tháp
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết cẩu tháp khi đưa vào sử dụng phải được đăng ký kiểm định kỹ thuật với cơ quan chức năng, đồng thời người điều khiển phải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ theo quy định. Các bộ Xây dựng, LĐ-TB-XH, NN-PTNT, Công nghiệp... đều có trung tâm kiểm định kỹ thuật cẩu xây dựng. Riêng Sở LĐ-TB-XH TP cũng có trung tâm kiểm định đặt tại 135 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh-TPHCM.
Liên quan đến vụ tai nạn tại cao ốc Contec Tower, ông Dũng cho biết chiếc cẩu này đã được kiểm định kỹ thuật nhưng kiểm tra sơ bộ cho thấy quá trình vận hành đã có sai sót. Trong lúc thao tác để đôn thêm chiều cao, đơn vị thi công không giữ cố định mà để cánh tay cẩu trong tình trạng xoay tạo ra mô-men xoắn bẻ gãy trụ tháp.
Cũng theo ông Dũng, hiện chưa có quy định nào khống chế tầm với của cẩu tháp là không được lấn sang nhà bên cạnh hay chìa ra đường. “Theo quy định về an toàn lao động, bán kính hoạt động của cần cẩu được xem là vùng nguy hiểm và khi cẩu hoạt động phải bảo đảm không ai được có mặt trong vùng này để phòng sự cố” - ông Dũng nói. Khi vận hành cẩu, tại khu vực công trường phải có đèn, biển báo vùng nguy hiểm để công nhân, người dân tránh xa. Hiện Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đang có kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn, nếu phát hiện cẩu vận hành không bảo đảm an toàn sẽ xử phạt và đình chỉ hoạt động. “Nếu để xảy ra sập, rơi vật liệu gây thương tích cho người khác, công nhân lái cẩu có thể bị khởi tố hình sự” - ông Dũng cho biết thêm.
Công nhân bị đứt bàn tay vẫn hôn mê
Đến chiều 28-12, công nhân Lâm Hoài Hận, người bị đứt lìa bàn tay trái trong vụ sập cần cẩu tại công trình thi công cao ốc Contec Tower, vẫn còn trong tình trạng hôn mê và được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình chăm sóc. Một công nhân tại công trường xây dựng này cho biết bàn tay bị đứt của anh Hận chưa được tìm thấy.
Riêng công nhân lái cẩu Lê Quang Hà (điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn), hiện sức khỏe đang hồi phục tốt.
Công trình xây dựng cao ốc Centec Tower: Gãy cẩu tháp, 5 người bị thương
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: