Mức phí đậu ô tô dưới lòng đường được Sở GTVT TP HCM đề xuất là 40.000 đồng/giờ, qua đêm là 180.000 đồng; cao hơn từ 10%-20% so với giá trông giữ của các cao ốc ở khu trung tâm
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa hoàn chỉnh đề án thu phí tạm dừng đỗ ô tô trên lòng đường, vỉa hè. Theo đó, mức phí mới đề xuất không chỉ tăng mà cách tính cũng khác. Đó là tính theo giờ thay vì theo lượt ngày và đêm như trước đây.
Vừa hạn chế xe vừa tăng nguồn thu
Cụ thể, mức phí cao nhất là 40.000 đồng/giờ, qua đêm lên đến 180.000 đồng, trong khi mức phí hiện tại là 5.000 đồng/lượt. Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không như lượt như hiện hành. Sở GTVT TP xây dựng mức phí áp dụng cho 2 nhóm: ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
Hiện nay, TP có 35 tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Trên cơ sở tình hình trật tự an toàn giao thông cụ thể, UBND TP sẽ điều chỉnh các tuyến đường được phép tạm dừng đỗ xe trên lòng đường. Do đó, trường hợp phát sinh các tuyến đường được phép đậu xe không thuộc các địa phương trên thì mức phí đậu xe như quận 10, 11.
Bãi giữ ô tô dưới lòng đường có thu phí trên đường Lê Lai, đoạn trước khách sạn New World (quận 1) đều kín chỗ mỗi ngày bởi mức giá quá thấp Ảnh: SỸ ĐÔNG
|
Theo Sở GTVT TP, mức phí mới cao hơn 10%-20% so với giá trông giữ xe của các bãi, hầm giữ xe tại các trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng. Lý giải mức phí mới này, Sở GTVT cho rằng là để hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân vào nội đô và sẽ cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác, góp phần giảm bớt ùn tắc và kẹt xe của TP. Về tác động xã hội, việc tăng phí sẽ giảm bớt tình trạng tạm dừng đỗ xe trên lòng đường và một số vỉa hè thay vì đậu xe tại các bãi đỗ, hầm của cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại. Đồng thời, tăng sự hấp dẫn và tính khả thi đối với các dự án đầu tư xây dựng các bãi xe tập trung (ngầm, nổi). Ngoài ra, có nguồn thu nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, góp phần giảm bớt chi phí ngân sách phải trả cho bộ máy.
Nếu đề án được thông qua, chỉ tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe trên lòng đường, dự kiến mỗi tháng TP sẽ thu về 31 tỉ đồng. Việc sử dụng nguồn thu này cũng như tỉ lệ chia lại các đơn vị sẽ do Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tính toán. Dự kiến, đề án này sẽ được phản biện tại Ủy ban MTTQ TP trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Ủng hộ nhưng phải cẩn trọng
Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Cao Thanh Bình nói: "Cả người dân TP cũng như HĐND TP ủng hộ cao việc UBND TP trình các đề án bảo đảm tính công bằng. Việc này cũng gắn rất sát với việc TP đang tập trung thực hiện các đề án, nội dung để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của TP". Tuy nhiên, ông Bình lưu ý thực hiện khẩn trương không có nghĩa là làm mà không có sự đồng thuận của người dân. Do đó, mọi đề án liên quan phải lấy ý người dân, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đối tượng bị tác động. Qua các ý kiến đó, phải tổng hợp, xây dựng lại đề án cho phù hợp. Ngoài ra, ông Bình cho rằng quá trình tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng nên phải làm thận trọng; đồng thời xem xét kỹ các tuyến đường cho phép ô tô đậu có thu phí.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, mức phí hiện nay là quá thấp. Đặc biệt, TP không khuyến khích người dân đậu xe trên lòng đường, vỉa hè nên việc tăng là phải làm nhưng mức tăng thế nào sẽ phải tính toán thật kỹ.
Bình luận về đề xuất trên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng tăng phí giữ xe và tính theo giờ đối với ô tô đậu dưới lòng đường để hạn chế xe cá nhân vào khu vực nội đô TP là một giải pháp phù hợp. Nếu so sánh với giải pháp lập vành đai thu phí tự động thì cách này đơn giản và rẻ hơn. Tuy nhiên, giải pháp này cần phải trong một tổng thể thì mới hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Cụ thể, TP tăng phí giữ xe nhưng cũng cần có cơ chế buộc các công trình mới xây dựng, cửa hàng kinh doanh đang xin cấp phép phải bảo đảm chỗ để xe cho họ. Bên cạnh đó, ngân sách từ nguồn thu phí giữ xe nên đầu tư ngược lại cho hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện hoặc các công trình công cộng. Thậm chí, nếu thu đủ thì có thể giảm giá vé hoặc miễn phí cho người đi xe buýt ở khu vực trung tâm. Ví dụ như ở TP Los Angeles, mức thu phí giữ xe trong trung tâm rất cao nhưng số tiền đó bù vào giao thông công cộng nên người dân đi lại không tốn tiền. Cách này một mặt giảm xe cá nhân nhưng vừa khuyến khích được người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Khi người dân thấy được nguồn thu từ lòng đường vỉa hè được phục vụ ngược lại cho chính họ thì chính quyền dễ thuyết phục người dân đồng tình với việc tăng mức thu phí hơn.
Đầy ắp ô tô ở khu trung tâm
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 26-2, những tuyến đường tại khu vực trung tâm TP đang tổ chức trông giữ ô tô dưới lòng đường có thu phí đều ken cứng xe vì mức phí được đánh giá gần như... cho không!
Tại khu vực trước khách sạn New World trên đường Lê Lai (quận 1) - nơi có sức chứa 76 ô tô - đều kín chỗ. Ở khu vực này, thời gian giữ xe bắt đầu từ 7 giờ tới 22 giờ, với mức phí 5.000 đồng/xe/lượt và chỉ cho phép xe dưới 16 chỗ ngồi đậu. Cách khu vực này không xa, 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (quận 1), cũng tổ chức cho ô tô đậu dưới lòng đường và mức phí áp dụng tương tự như trên. Theo một nhân viên trật tự đô thị quận 1 giữ xe trên đường Phan Chu Trinh, khu vực này chỉ tổ chức giữ tới 18 giờ mỗi ngày và đa số người gửi đều vào mua bán tại chợ Bến Thành ở kế bên. "Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp gửi xe cả ngày do mức phí chỉ 5.000 đồng/xe/lượt. Vì vậy, khu vực này hầu như lúc nào cũng kín chỗ. Họ "mượn" đường để đậu ô tô cũng đúng thôi vì giá giữ xe chẳng khác nào cho không" - nhân viên này nói.
Trong khi đó, khảo sát ở nhiều trung tâm thương mại, khách sạn lớn trên địa bàn quận 1, hầu hết đều đang áp dụng việc tính phí gửi xe theo giờ cho cả ô tô và xe máy, với giá cao hơn nhiều lần mức giá đang áp dụng ở lòng đường, vỉa hè. Đơn cử như tại khách sạn Sheraton Sài Gòn (phường Bến Nghé), mức giá đối với ô tô gửi từ 6 giờ đến 22 giờ được áp dụng 100.000 đồng cho 4 giờ đầu và sẽ cộng thêm 20.000 đồng cho 1 giờ gửi thêm. Còn vào ban đêm, ô tô gửi tại đây thời gian từ 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau sẽ chịu mức giá 200.000 đồng/4 giờ đầu và cũng cộng thêm 20.000 đồng/1 giờ gửi thêm.
Tương tự, tại bãi giữ xe của trung tâm thương mại Saigon Centre (phường Bến Nghé), từ 5 giờ tới 23 giờ 59 phút mỗi ngày, giá giữ ô tô áp dụng 20.000 đồng/2 giờ đầu và sau 2 giờ sẽ cộng thêm 20.000 đồng, sau 6 giờ cộng thêm 40.000 đồng. Riêng khung thời gian ban đêm, từ 24 giờ tới 4 giờ 59 phút sáng hôm sau sẽ áp dụng đồng giá 200.000 đồng/xe/lượt.
35 tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí
Hiện toàn TP HCM có 35 tuyến đường cho phép đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí thuộc các quận 1, 3, 5, 10 và 11.
QUẬN 1: Cao Bá Quát, Lê Lai, Nguyễn Văn Cừ, Trương Định, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Thủ Khoa Huân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp. QUẬN 3: Trương Định, Trần Quốc Thảo, Hồ Xuân Hương, Võ Văn Tần, Lê Ngô Cát, Pasteur. QUẬN 5: An Dương Vương, Nguyễn Thị Nhỏ, Phan Văn Trị, Tản Đà, Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, Phạm Hữu Chí. QUẬN 10: Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Nguyễn Giản Thanh, tuyến hai bên công viên Vườn Lài, hẻm 15 Thành Thái, tuyến hai bên Công viên Z756. QUẬN 11: đường số 2 cư xá Lữ Gia.
DiaOcOnline.vn theo Báo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: