Bất động sản đi xuống, trầm lắng không bán được, nhiều ngành nghề khác cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo. Đó là những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo tác động của BĐS lên thị trường tài chính VN.
Dư nợ BĐS hiện chiếm 10% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.
|
Ví dụ: Năm tháng qua, lượng tiêu thụ xi măng đã tụt giảm mạnh, sản lượng tiêu thụ tháng 7 chỉ bằng 63% của tháng 3. Hàng loạt nhà máy gạch celamic không tiêu thụ được hàng đã phải đóng cửa hoặc dừng triển khai. Hàng tồn kho bê tông tăng gấp đôi, nhân công chỉ còn làm việc 3 ngày một tuần. Còn các công ty xây dựng, không có việc làm cho nhân công, đành phải cho nghỉ việc.
Đó là những con số được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra khi phân tích về hệ luỵ của thị trường BĐS đến một loạt ngành nghề khác. Ông Nam cũng thừa nhận, mặc dù Bộ Xây dựng là đơn vị quản lý thị trường BĐS, nhưng BĐS lại bị sự quản lý bởi quá nhiều các bộ ngành, nên có thể biết cách gỡ nhưng cũng không dễ mà gỡ được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Trần Nam, tín dụng thuộc ngân hàng, đất đai thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, nên cũng rất khó để quản lý.
Tín dụng BĐS cũng là một trong những chủ đề được bàn đến nhiều nhất trong cuộc hội thảo. Đại diện Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, sự đi xuống của thị trường BĐS, nhất là những khó khăn trong thời gian tới sẽ là nguy cơ lớn đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ. Đặc biệt là nhóm những ngân hàng được thành lập với mục đích phục vụ cho các dự án BĐS của chính các ông chủ ngân hàng.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia: “Họ là chủ ngân hàng, rồi cho vay chính các dự án BĐS của họ, đây là rủi ro rất lớn. Thủ tướng cũng đã từng cảnh báo cần phải thận trọng với những loại hình ngân hàng kiểu này”.
Nhiều ý kiến, trong đó có cả những chuyên gia nước ngoài cũng cảnh báo, trong điều hành chính sách tiền tệ, Việt Nam cần quy định BĐS như một lĩnh vực đặc biệt để quản lý. Thay vì tranh luận nó là sản xuất hay phi sản xuất để gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, bài học về sự buông lỏng quản lý BĐS của Ireland đã khiến đất nước này phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và nó vẫn là bài học không cũ cho Việt Nam, nhất là trong giai đoạn phải quản lý chặt chẽ thị trường này.
Ông Peter Charleton, Ngân hàng Trung ương và cơ quản quản lý dịch vụ tài chính Ireland: “Không quản lý chặt chẽ, cho vay tràn lan, nên thị trường BĐS Ireland đã rơi vào tình trạng bong bóng bất động sản. Hàng loạt dự án đã được lấp để trồng lại lương thực, nhưng hậu quả để lại cho ngân hàng là hệ thống này đã tổn thất lên tới 50% GDP. Đau đớn về thanh khoản, chúng ta phải đối mặt chấp nhận hơn là việc phá giá đồng tiền, hậu quả sẽ rất lớn. Việt Nam đang hiếm tín dụng, chúng ta phải tập trung vào lĩnh vực hiệu quả, không nên phí phạm vào những dự án tràn lan.
Khá nhiều các đề xuất cho thị trường BĐS đã được các diễn giả đưa ra như: Cần phân bổ lại nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS, ưu tiên cho các lĩnh vực như nhà ở xã hội, nhà cho thuê, triển khai các quỹ nhà ở.
Một số ý kiến khác cho rằng, để thị trường BĐS không còn khan hiếm, bị lũng đoạn thì cần thiết phải sửa ngay các quy định trong Nghị đinh 69, Nghị định 71. Vì với những quy định này, chi phí của các dự án đã tăng gấp đôi làm giá thành bị đội lên. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục không rõ ràng, khiến nhiều dự án 5-7 năm vẫn không thể nào chạy được.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: