Top

Hắt hiu sàn BĐS đóng cửa nghỉ Tết sớm

Cập nhật 26/12/2011 09:10

Cuối năm vốn là thời điểm rôm rả, kiếm đậm nhất của lĩnh vực địa ốc, thì nay lại trái ngược. Thay vì tiếp tục duy trì hoạt động, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã đóng cửa nghỉ Tết sớm để cắt giảm chi phí.

Tìm cách đóng cửa sớm


Kinh tế khó khăn, nguồn vốn khan hiếm cộng với thời điểm cuối năm, nhiều hoạt động giao dịch bất động sản chậm lại, thậm chí ngừng hẳn. Chỉ cần đi một vòng qua nhiều trung tâm bất động sản trước đây được coi là điểm nóng như Lê Văn Lương kéo dài, Vạn Phúc, khu Thiên Đường Bảo Sơn,... số sàn bất động sản còn mở cửa hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trái với cảnh đó vài năm trước, thời điểm này các sàn đều "ăn nên làm ra", tấp nập ôtô đỗ cửa.

Có mặt tại một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), mới thấy sự ảm đạm trên thị trường, cả buổi chiều không một khách tới, chỉ có hai nhân viên ngồi "ngáp ngắn ngáp dài". Theo một nhân viên đại diện sàn, cả tháng nay, sàn giao dịch hầu như không hoạt động. Sàn vẫn mở cửa để thu hồi công nợ và cố vớt vát một số khách hàng hẹn tới xem dự án.


Xung quanh khu vực này khoảng 7 sàn giao dịch bất động sản thì có đến 4 sàn đã tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ vài tháng nay.

Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản khác, tình hình cũng không khá hơn. Phần lớn đều "than ngắn thở dài" mỗi khi được hỏi về thực tế hoạt động giao dịch tại các sàn của mình. "Chưa bao giờ bất động sản lại rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy. Cuối năm các nhân viên kinh doanh bất động sản tập trung chủ yếu vào tổng kết, chăm sóc khách hàng. Thời điểm này, vạn người bán mới chỉ có một người mua", ông Nguyễn Quang Tuấn, nhân viên môi giới của sàn bất động sản Châu Á thở dài.

Ông Tuấn cho rằng, thường cuối năm người dân mua nhà đón Tết nhưng năm nay không còn cảnh đó nữa. Kinh tế khó khăn đã tác động chung tới nhiều thành phần kinh tế, trong đó có bất động sản, bởi người dân lương thưởng kém sẽ không có nhiều tiền để mua nhà đất. Trong khi đó, vàng đang giảm giá cũng khiến cho dân chuyển sang cất trữ bằng kim loại quý này. Cũng theo ông Tuấn, thời điểm cuối năm cận Tết, người dân có xu hướng tiêu dùng mua sắm hơn là đầu tư vào nhà đất.

Ông Lê Quốc Hưng - Giám đốc điều hành sàn bất động sản Vinacity, cho rằng thông thường cuối năm vẫn là dịp có nhiều giao dịch, tập trung vào những người có nhu cầu mua nhà ở. Tuy nhiên, cuối năm 2010 và năm nay thì không hẳn vậy. Số người hỏi nhiều nhưng giao dịch hạn chế do giá bất động sản vẫn quá cao, vượt khả năng mua của những người có nhu cầu thực tế.

Cũng theo ông Hưng, cuối năm bất động sản chờ lượng kiều hối chuyển về để đầu tư, nhưng vàng và USD vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Có không ít khách hàng có nhu cầu thực nhưng khả năng tài chính cũng không thể đáp ứng được vì phần lớn giá của nhiều dự án vẫn quá cao. Nhiều người dân còn đang nghe ngóng chờ đợi vào động thái giảm tiếp của thị trường bất động sản. Chính vì thế, cuối năm lượng tiền đổ vào bất động sản không nhiều.

Vận hạn của sàn BĐS


Chia sẻ về triển vọng thị trường, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản đều tỏ ra thất vọng, vì không biết liệu thị trường sẽ trượt dốc đến bao giờ, khi mà tín hiệu khả quan vẫn chỉ là ánh sáng ở cuối đường hầm. Trong thời điểm khó khăn, việc sàn đóng cửa ngừng hoạt động là điều cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết, giá bất động sản đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ kích giá còn phổ biến, giao dịch bất động sản có nhiều chiều hướng giảm sút, các giao dịch bất động sản đều chững lại, đặc biệt từ quý 3/2011.

Theo báo cáo của các sàn giao dịch trên địa bàn Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2011 có khoảng 2.700 giao dịch thành công, trong quý 3-2011 thì lượng giao dịch còn thấp hơn nữa, chỉ có khoảng 900 giao dịch thành công, dự kiến quý IV lượng giao dịch qua sàn cũng không khá hơn.

Thị trường bất động sản tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị, nhưng khối lượng, giá trị giao dịch và biến động lớn vẫn chủ yếu tập trung ở phía Tây, Tây Nam Hà Nội, đồng thời thị trường bất động sản là nhà ở chiếm phần lớn.

Như vậy, với 480 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, trong 9 tháng năm 2011 mới có khoảng 3.600 giao dịch, tính cả lượng giao dịch trong quý IV thì trung bình mỗi sàn bất động sản tại Hà Nội chưa thực hiện nổi 10 giao dịch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đóng băng thì có 2 mặt của nó. Mặt tích cực nói đúng sự thật như thế. Mặt không tích cực là nó làm cho nền kinh tế khó khăn thêm, dẫn đến phát sinh các vấn đề xã hội. Nhưng nguyên nhân tồn tại yếu kém đã được nói rất rõ trong chỉ thị ngày 6/12 của Thủ tướng về một số giải pháp quản lý thị trường bất động sản. Trong đó có những nguyên nhân về thể chế, quản lý Nhà nước, từ chủ đầu tư.

Bộ trưởng cho rằng phải can thiệp nhưng mà kinh tế bất động sản, trong đó thị trường BĐS thì không thể tách rời kinh tế vĩ mô. Sự khó khăn hiện nay có liên quan, bị ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của trong nước. Thiệt hại này các doanh nghiệp chịu thiệt nhiều, thời gian này cũng phải cố gắng gồng mình vượt qua khó khăn.

Theo Bộ trường, giảm giá là động thái tốt, làm lợi cho người tiêu dùng. Cung tăng, cầu giảm thì phải giảm giá để cân bằng, làm thế nào để 2 bên - người sản xuất, tiêu dùng cùng có lợi thì đó là điều cơ quan quản lý mong muốn. Tuy nhiên, ở đây cũng cần có sự can thiệp của Nhà nước để xác định giá gốc, chống độc quyền. Cái này Nhà nước cần phải tiếp tục xây dựng chính sách.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF