Top

Hai thị trường chính đều ổn

Cập nhật 20/05/2016 15:46

Savills Việt Nam vừa công bố chỉ số giá BĐS tháng 5/2016 của hai đầu thị trường chính là Hà Nội và Tp.HCM. Ở cả hai thị trường này, giá nhà ở lẫn hoạt động văn phòng đều ổn định. Trong khi địa ốc phía Nam ghi nhận nét tươi mới trong hoạt động văn phòng (so với suốt 8 năm vừa qua), BĐS Hà Nội được đánh giá là giảm mạnh so với lượng giao dịch nửa cuối năm 2015.

Báo cáo thống kê trong quý I vừa qua của Savills cho thấy chỉ số hoạt động văn phòng tại Tp.HCM đạt 83,6 (tăng 2 điểm theo quý và 7 điểm theo năm). Sự cải thiện này được cho là do công suất thuê tăng 1 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm, trong khi giá thuê tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Đáng chú ý, Savills đánh giá khá tích cực về công suất thuê trung bình đạt 96%, mức cao nhất ghi nhận được trong 8 năm qua.

“Điểm sáng” văn phòng

Theo địa bàn, các dự án văn phòng hạng A và B mới tại khu trung tâm của Tp.HCM có tình hình hoạt động tốt, dẫn đến công suất thuê của khu vực tăng 3 điểm phần trăm và giá thuê tăng 4% theo năm. Từ đây, giải thích chỉ số hoạt động văn phòng tại khu trung tâm tăng 1 điểm theo quý và 6 điểm theo năm.

Ở khu ngoài trung tâm, công suất thuê cũng ghi nhận tăng (cụ thể 3 điểm phần trăm theo quý và 7 điểm phần trăm theo năm). Điều này giúp chỉ số của khu vực này tăng 3 điểm theo quý và 9 điểm theo năm.

Tính trong quý I, tổng lượng tiêu thụ đạt khoảng 26.400m2, giảm 54% theo quý nhưng tăng 9% theo năm. Đơn vị tư vấn dự báo, dưới tác động của nguồn cầu, giá thuê văn phòng hạng A và B được kỳ vọng sẽ tăng trong tương lai gần. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá thuê sẽ đạt khoảng 4%/năm trong ba năm tới.

Những thông số sáng sủa về hoạt động văn phòng cũng được phát đi từ đầu thị trường Hà Nội. Quý I, chỉ số hoạt động văn phòng tại Hà Nội đạt 57,8 điểm, giảm 0,7 điểm theo quý và giảm 1,8 điểm theo năm. Tuy vậy, theo Savills, giá thuê tăng đều ở tất cả các hạng khiến chỉ số giá văn phòng tăng.

Khu trung tâm tăng 2,6 điểm theo quý và 2,9 điểm theo năm. Công suất thuê và giá thuê của văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm được phục hồi do nguồn cung hạn chế. Mặt khác, tại khu ngoài trung tâm, công suất thuê duy trì ổn định và giá thuê tăng 1% theo quý, giúp chỉ số hoạt động văn phòng tăng 0,7 điểm theo quý và 2,2 điểm theo năm.

Savills dự báo, năm nay, khu trung tâm sẽ tiếp tục hoạt động tốt, với giá thuê trung bình được dự đoán tăng 7%. Ngược lại, khu ngoài trung tâm sẽ phải đối mặt với áp lực nguồn cung, do việc gia nhập thị trường của một số dự án mới và diện tích còn trống lớn của một số dự án được đưa vào hoạt động gần đây.

Công suất cho thuê ở trung tâm tăng

Trái chiều thị phần nhà ở

Tại đầu thị trường phía Nam, quý I vừa qua chứng kiến chỉ số giá nhà ở là 91,3 – tăng 1 điểm theo quý và 2 điểm theo năm. Thống kê của Savills thể hiện lượng giao dịch trên thị trường đạt 6.400 căn hộ (giảm 18% theo quý, tăng 49% theo năm). Đồng thời, tỷ lệ hấp thụ đạt 17% (giảm 4 điểm phần trăm theo quý và theo năm do nguồn cung mới dồi dào).

Theo phân hạng sản phẩm, căn hộ hạng C có lượng giao dịch tăng 7% theo quý. Tính theo quý, lượng giao dịch các căn hạng A và B giảm lần lượt là 34% và 32%. Tuy nhiên, tính theo năm, thì số căn hộ hạng A được tiêu thụ tăng 83% và hạng B tăng 68%.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, các yếu tố hỗ trợ cho tình hình giao dịch mạnh và giá cả của thị trường Tp.HCM trong quý I/2016 bao gồm tiến độ xây dựng tốt, sản phẩm đa dạng, phương thức thanh toán linh hoạt và kéo dài của chủ đầu tư. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo tiếp thị để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Về phía Bắc, chỉ số giá nhà ở Hà Nội đạt 107,5 – giảm xấp xỉ –1 điểm theo quý nhưng tăng 0,2 điểm theo năm. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ở mức 34%, giảm 6 điểm phần trăm theo quý và 9 điểm phần trăm theo năm, do ảnh hưởng thường niên của dịp nghỉ Tết.

Savills đánh giá, so với lượng giao dịch kỷ lục nửa cuối năm 2015, hoạt động thị trường quý này giảm mạnh, chỉ đạt 5.600 giao dịch, giảm 13% theo quý nhưng ổn định theo năm.

Chi tiết về từng hạng nhà ở, sản phẩm hạng B dẫn đầu thị trường với 66% tổng lượng giao dịch (tỉ lệ hấp thụ đạt 37%, giảm – 4 điểm % so quý trước). Lượng giao dịch của hạng A và hạng B giảm lần lượt là 61% và 17% theo quý.

Savills cũng đánh giá: dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nếu được thông qua, có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tín dụng của thị trường BĐS. Điều này, cũng từng được một đại diện của CBRE VietNam nhắc tới cách đây ít lâu.

Cụ thể, CBRE đưa ra nhận định về tỷ lệ căn hộ mới mở bán và tỷ lệ giao dịch sụt giảm tại thị trường Hà Nội trong quý I/2016. Đồng thời, “nếu Thông tư 36 sửa đổi được thông qua, các DN BĐS sẽ phải quản trị tốt hơn, minh bạch hơn”.

Một thống kê đến từ cơ quan quản lý đầu ngành Xây dựng: Tháng 3/2016, thị trường Hà Nội có 1.200 giao dịch thành công, Tp.HCM là 1.150 giao dịch thành công. Các giao dịch chủ yếu diễn ra ở những dự án đảm bảo tiến độ, phương thức thanh toán hợp lý cũng như chủ đầu tư có uy tín, thương hiệu.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh