Công tác quản lý yếu kém khiến tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở khu vực nội thành Hà Nội đang tái phát với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Theo Sở Xây dựng, 17 tháng qua lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có trên 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công; gần 560 trường hợp cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây sai với giấy phép được cấp. Tới nay, các lực lượng liên quan đã cưỡng chế phá dỡ 600 công trình vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ trên 300 công trình khác. Hiện, còn tồn đọng gần 800 công trình được giải quyết.
Thanh tra Xây dựng cho hay, các công trình không phép tập trung tại các huyện (khoảng 93%), trong đó phần lớn là xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất công hoặc đất lấn chiếm, đất chưa có quy hoạch. Một số huyện xảy ra nhiều vi phạm như Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Từ Liêm, Sóc Sơn.
Có số vi phạm ít hơn ngoại thành nhưng các quận nội thành bị Sở Xây dựng đánh giá là để tồn đọng nhiều công trình sai phạm nghiêm trọng. Nhiều địa chỉ vi phạm gây búc xúc dư luận như công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình sai phép tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê (Tây Hồ); các công trình không phép trên đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)...
Công trình xây dựng sai phép tại số 55A-55B phố Bà Triệu. Ảnh: GĐXH.
|
Trong số này có công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A - 55B Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Nằm ngay mặt phố lớn giữa trung tâm thủ đô, nhưng chủ đầu tư vẫn xây sai phép (từ 9 tầng và tum thang thành... 13 tầng).
Ở quận Hai Bà Trưng, số công trình vi phạm được đánh giá nhiều cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Trong 31 công trình vi phạm có 11 là xây sai phép, 17 không phép và 3 công trình vi phạm quy định về môi trường, gây ảnh hưởng tới hộ liền kề. UBND quận cho biết, hiện mới có 11 vụ việc được giải quyết, 20 công trình còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nói trên là ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật của một bộ phận tổ chức, công dân còn yếu kém. Tuy vậy, ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, hiệu quả, vai trò quản lý Nhà nước về đô thị nói chung và trật tự xây dựng nói riêng của chính quyền cơ sở còn yếu. "Yếu kém thể hiện ở sự chậm phát hiện, tư tưởng né tránh, ngại va chạm của một số cán bộ công chức", ông Hùng thừa nhận.
Theo ông Hùng, UBND xã phường, thị trấn là địa chỉ chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Song, trách nhiệm quản lý này đã bị buông lỏng, đặc biệt ở cấp xã, phường. Ngay cả khi các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện cũng xử lý không kiên quyết, có tình trạng vị nể, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền. Thậm chí, có cả hiện tượng bao che, dung túng cho hành vi vi phạm dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, siêu mỏng, siêu méo...
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở, ngành nâng cao chất lượng quy hoạch chi tiết, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; tăng cường thanh tra xây dựng để kiểm soát mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn quận - huyện, phường - xã. Những trường hợp vi phạm phải xử lý triệt để.
Đối với những vi phạm được phát hiện, thống kê trong thời gian qua, ông Thảo yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện xử lý dứt điểm trong quý 3, cùng với đó là xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm. Chủ tịch các quận, huyện có thể thành lập đoàn thanh tra hoặc tổ công tác liên ngành để xử lý những vụ việc nổi cộm, bức xúc; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phải chuyển cơ quan điều tra.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: