Top

Hà Nội siết quy định đấu giá quyền sử dụng đất

Cập nhật 24/09/2014 10:15

Theo quyết định mới được UBND TP. Hà Nội ban hành, để tránh “quân xanh, quân đỏ”, nhiều đối tượng sẽ không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá để thực hiện dự án đầu tư cũng buộc phải có đủ tiền đối ứng theo quy định.

Nhiều khu đất đem ra đấu giá của Hà Nội bị dìm giá do hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”

Những bất cập từ việc đấu giá đất

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm 2013, trên địa bàn Thành phố có 22 quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích 10,5 héc-ta, thu được 1.942 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.

Dự kiến, năm 2014, Thành phố thu từ đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 6/19 quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích 2,85 héc-ta, thu 543 tỷ đồng, trong khi quỹ đất có thể tổ chức đấu giá còn tới 42,6 héc-ta, tại 34 dự án. Không những thế, tình trạng nợ quá hạn tiền đấu giá quyền sử dụng đất của Hà Nội cũng còn rất lớn, lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo lý giải của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất chậm không phải là khó khăn riêng của Hà Nội, mà là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyên nhân là thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, giá sụt giảm, thiếu sức hút đối với nhà đầu tư. Không ít dự án đã tổ chức bán hồ sơ, nhưng không có đủ số người tham gia theo quy định. Đáng lưu ý là xuất hiện tình trạng người trúng đấu giá nợ đọng tiền sử dụng đất, nhiều dự án phải hủy kết quả và tổ chức đấu giá lại, cũng là những nguyên nhân khiến công tác này không đạt kết quả đề ra.

Ngoài ra, các địa phương còn phản ánh, những quy định về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều kẽ hở, dẫn đến việc nhiều cuộc đấu giá đất bị lợi dụng, hiện tượng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” để dìm giá xuống vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Để tháo gỡ vấn đề này, nhiều quận, huyện, thị xã đề nghị Thành phố phân cấp, giao quyền chủ động hoàn toàn cho địa phương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với những diện tích dưới 5.000 m2 và ủy quyền cho UBND cấp huyện được ban hành quyết định thu hồi quỹ đất phục vụ đấu giá…

Nhiều đối tượng không được tham gia

Tổng hợp các kiến nghị của địa phương và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ban hành quy chế về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trên địa bàn Thành phố và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 25/9/2014.

Theo đó, người tham gia đấu giá cùng một thửa đất là cá nhân không có quan hệ huyết thống là bố, mẹ, con và anh chị em ruột, không có hôn nhân là vợ, chồng. Đối với đối tượng tham gia đấu giá để thực hiện dự án đầu tư, phải có vốn để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc-ta và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất 20 héc-ta trở lên. Đồng thời, đối tượng đấu giá không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt, quy chế cũng quy định rõ, người làm việc trong đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tham gia thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, quy chế cũng quy định, thửa đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải có từ 2 người tham gia đấu giá trở lên; trường hợp đấu giá đến lần 2 mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, thì cơ quan tài nguyên và môi trường đề xuất thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất; giá thực hiện giao đất, cho thuê đất được xác định là giá khởi điểm của phiên đấu giá lần 2.

Về thẩm quyền quyết định đấu giá quyền sử dụng đất, Quy chế quy định rõ, UBND TP. Hà Nội sẽ quyết định đấu giá với các trường hợp như thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua; thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; dự án sử dụng đất thương mại và dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; giao đất, cho thuê đất khi Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; giao đất ở tại đô thị, nông thôn (đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích trên 5.000 m2 đất).

UBND cấp huyện được quyết định đấu giá các trường hợp như dự án sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai 2013); để giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở tại đô thị, nông thôn (đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất với đất nhỏ lẻ, xen kẹt có diện tích dưới 5.000 m2).

UBND cấp huyện có trách nhiệm ưu tiên bố trí sử dụng cho mục đích công cộng phục vụ nhân dân trong khu vực, nếu không có nhu cầu sử dụng cho mục đích công cộng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

UBND cấp xã được quyết định đấu giá cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản thuộc quỹ đất công ích, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng của xã, phường, thị trấn. Thời hạn sử dụng đất là 5 năm theo quy định của Luật Đất đai 2013; giá đất để làm căn cứ đấu giá là giá đất nông nghiệp theo quy định tại bảng giá đất do UBND Thành phố ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản