Top

Hà Nội sẽ xây thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống

Cập nhật 13/09/2017 13:22

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc đổi đất lấy dự án, tất cả các khu đất phải tuân theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2016-20130, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng, sông Đuống.


Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại buổi họp báo.

Chiều 12/9, trao đổi với báo chí về việc huy động nguồn vốn xây dựng các cầu này, tại cuộc giao ban thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện thành phố Hà Nội đang chỉ đạo thực hiện triển khai 5 cầu là: cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Tổng mức vốn đầu tư các dự án này quá lớn, ngân sách thành phố không làm được mà phải mời đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT.
Thành phố sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng. “Để đảm bảo thực hiện các dự án này, thành phố đã rà soát, bố trí quỹ đất để cho nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng, thu hồi vốn theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, với các khu đất này, nhà đầu tư có thể đầu tư các công trình, khu đô thị đảm bảo theo đúng quy hoạch của thành phố đã duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang được nghiên cứu chưa chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào.

Xung quanh các ý kiến cho rằng các khu đất dự kiến giao cho nhà đầu tư có cả quỹ đất ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135ha) vi phạm quản lý đê điều, trao đổi với báo chí ông Tuấn cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp vì chưa chính thức phân đất cho bất cứ nhà đầu tư nào.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc đổi đất lấy dự án, tất cả các khu đất phải tuân theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt. Các dự án xây dựng khu nhà ở, khu đô thị quan điểm xuyên suốt là cũng phải đầu tư xây dựng hoàn thiện về hạ tầng trước sau đó mới đến các dự án khác. “việc xây dựng các cây cầu này đều nằm trong quy hoạch và sẽ giảm được ách tắc giao thông”.

Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên: Quy mô đầu tư dự án điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc 2 đê Hữu Hồng, điểm cuối tại nút giao đường Vành đai 3 cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và thúc đẩy nhanh việc phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 17 nghìn tỷ đồng. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng chuyển giao BT. Dự kiến hoàn thành năm 2021. Dự kiến quỹ đất thanh toán tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú huyện Đông Anh và xã Yên Thường, Yên Viên huyện Gia Lâm với tổng diện tích khoảng 193ha.

Dự án xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh: Cầu có quy mô 0,5km x 33m; đường 4,2km x 48m, vị trí quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư khoảng 6 nghìn tỷ đồng theo hình thức BOT. Hoàn thành dự kiến năm 2021.

Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng: Dự án nhằm kết nối các quận trung tâm khu vực phía Đông thành phố. Giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Vị trí quận Long Biên, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Tổng vốn đầu tư 7 nghìn tỷ đồng loại hợp đồng BT. Dự án này sử dụng quỹ đất thanh toán từ khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (34ha), quỹ đất tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (78,4ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối , quận Long Biên (320 ha) và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135 ha). Dự kiến hoàn thành năm 2019.

Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu: Dự án có điểm đầu là điểm cuối của tuyến đường trong khu đô thị Vincom village, điểm cuối là nút giao đường Vành đai 3 ( cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên). Cầu có chiều dài khoảng 5.698 m, trong đó cầu Giang Biên dài (dài 2.230m, rộng 2,95m), đường dẫn 2 đầu cầu (dài 3.468m, rộng 50m, tiêu chuẩn đường cấp 2 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h:; cải tạo nút giao đã xây dựng giữa cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với quốc lộ 1A từ 2 tầng thành 3 tầng theo các hướng đi giao cắt khác mức.

Vị trí dự án thuộc các xã Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Dự kiến tổng vốn đầu tư 6.068 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Dự án hoàn thành sau 30 tháng từ 2018 đến 2020. Phương án thu hồi vốn đầu tư, Thành phố dành một phần của Khu đô thị mới xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm và khu đất 53,3 ha thuộc ô quy hoạch ký hiệu 5-4 và 7-2 của phân khu N9 cho phía nhà đầu tư.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Cầu  được thiết bê tông cốt thép vĩnh cửu và bê tông cốt thép dự ứng lực; tổng chiều dài khoảng 3.504m; chiều cao thông thuyền 10m; mặt cắt ngang cầu 19,25m ( 4 làn xe).

Tổng vốn đầu tư khoảng 2.466.100 triệu đồng. Hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT thời gian thực hiện 36 tháng (từ 2018 -2020).

Phương án thu hồi vốn, sử dụng quỹ đất đối ứng còn của dự án nút giao thông trung tâm quận Lon Biên theo hình thức hợp đồng BT, bao gồm khai thác quỹ đất 34 ha tại Dương Xá, huyện Gia Lâm; 78,4 ha tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm và quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, quận Long Biên với diện tích khoảng 320 ha, quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135 ha ngoài bãi sông Hồng.


DiaOcOnline.vn - Theo VOV