Top

Hà Nội làm nhà 100 triệu: Dễ như trở bàn tay

Cập nhật 08/02/2017 09:17

Hà Nội hoàn toàn có thể làm các khu nhà ở xã hội với giá 100 triệu đồng như Bình Dương, thậm chí còn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Hà Nội thuận lợi hơn


Mới đây ông Đinh La Thăng,  Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến tỉnh Bình Dương khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về mô hình nhà 100 triệu cho người thu nhập thấp đồng thời coi đây là một trong những chương trình đột phá của thành phố.

Trước đó, Bình Dương cũng là tỉnh rất thành công khi tập trung vào phân khúc chung cư giá rẻ cho công nhân lao động.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, nhiều chuyên gia xây dựng tại Hà Nội khẳng định, nếu có chủ trương, thành phố này hoàn toàn có thể tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp trong điều kiện hiện nay, thậm chí còn thuận lợi hơn cả Bình Dương và TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng Hà Nội đặt câu hỏi: “Tại sao Bình Dương làm được mà Hà Nội tại không làm được?”.

Ông Hùng cho rằng Hà Nội hiện nay có lợi thế là thủ đô, là trái tim của cả nước nên được tạo mọi điều kiện từ chính sách, chủ trương của Đảng, nhà nước, Chính phủ. Hơn nữa, nơi đây còn tập trung nhiều kỹ sư, chuyên gia có trình độ lành nghề, kỹ thuật cao cũng như các công ty, doanh nghiệp lớn.

“Việc xây dựng nhà xã hội hiện nay là chủ trương rất nhân văn. Hà Nội là thủ đô nên lại càng phải thúc đẩy mạnh việc này. Tuy nhiên việc chia sẻ lợi ích giữa quan chức, những người phụ trách, chủ thầu và người được hưởng thụ chế độ nhà ở xã hội hiện nay chưa tốt.

Hà Nội hoàn toàn có thể làm các khu chung cư, nhà ở xã hội với giá 100 triệu đồng như Bình Dương. Ảnh minh họa

Điều này thể hiện ở chất lượng công trình không tốt, giá cả nhà cao. Nói đến nhà dành cho người thu nhập thấp mà đến 11 triệu đồng/m2 thì làm sao họ có tiền để trả. Trong điều kiện của Hà Nội hiện nay, việc làm những căn hộ có diện tích từ 25 m2 đến 30 m2 với độ cao khoảng 4 tầng với các trang thiết bị nội thất bên trong,  không cần thang máy hoàn toàn có thể làm được. Tại sao Hà Nội phải học tập Bình Dương hay TP.HCM?  Đáng lẽ bộ máy của Hà Nội phải thừa sức làm được điều đấy”, PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc xây nhà ở xã hội giá 100 triệu cho công nhân có thu nhập thấp nằm trong tầm tay của Hà Nội.

Theo PGS.TS Thám điều quan trọng nhất để thúc đẩy các kế hoạch này đi vào thực tế là lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp có quyết tâm hay không.

“Bây giờ các doanh nghiệp kinh doanh đều muốn lãi suất cao lợi nhuận lớn. Nếu họ chấp nhận chia sẻ, làm những dự án phi lợi nhuận thì tôi nghĩ Hà Nội thừa sức làm chuyện đó”, ông Thám khẳng định.

Để chứng minh điều mình vừa nói, vị chuyên gia dẫn chứng: “Những công nhân về làm việc cho các công ty, xí nghiệp ở Hà Nội so với các tỉnh như Bình Dương hay Đồng Nai thì không hiện nay không thể nhiều bằng. Hà Nội lực lượng đó ít trong khi những người vãng lai đến để tự bươn trải, kinh doanh, lập nghiệp không theo một công ty, doanh nghiệp nào đó thì nhiều.

Lực lượng đó theo tôi không phải là đối tượng để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội do đó để tập trung vào đối tượng công nhân có thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn.

Thứ hai, giá vật tư, nguyên liệu hay nhân công thì tại các thành phố đều tương đương nhau, chênh lệch không nhiều. Cái quan trọng của Hà Nội là quỹ đất hơi đắt. Tuy nhiên hiện nay đất đai là sở hữu của toàn dân nên nếu muốn phát triển dự án này thì Chính phủ hay Hà Nội hoàn toàn có thể đưa ra các chính sách như: không tính tiền thuế đất cao, không tính tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cao. Đương nhiên khi đó giá thành của ngôi nhà xây xong sẽ thấp, đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Cần có kế hoạch lâu dài

Để  xây dựng được những khu chung cư giá rẻ hay nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng ngoài sự quan tâm của Trung ương, Hà Nội cần phải tự chủ động và lên những quy hoạch chi tiết, cụ thể.

Theo ông Thám, khu công nghiệp Bắc Ninh nằm ngay sát Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc này khi tập trung được nhiều nhà máy, xí nghiệp và khu nhà ở cho công nhân san sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ở Hà Nội, điển hình là khu Bắc Thăng Long, dù có nhiều nhà máy công nghiệp đông đúc nhưng công nhân vẫn ở trong nội thành chứ chưa sống tập trung xung quanh địa điểm trên.

“Theo tôi phải bắt đầu tư những kế hoạch, quy hoạch chi tiết của thành phố. Cụ thể, thành phố phải đề ra định phát triển hướng nào. Nếu hướng công nghiệp thì cần xác định rõ khu công nghiệp nằm ở đâu và chúng ta sẽ tập trung nguồn lực vào khu đó.

Như thế sẽ vừa giải quyết được kế hoạch sản xuất vừa giải quyết được vấn đề an sinh cho những người phục vụ kế hoạch đó.

Sau khi có dự án phát triển kinh tế thì kèm theo đó là các dự án phát triển về nhà ở. Như thế sẽ phù hợp hơn. Nếu như chúng ta tách rời dự án đó ra khỏi kế hoạch phát triển công nghiệp thì tôi nghĩ sẽ chệch hướng”, ông Thám nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đặc biệt quan tâm, đó là Hà Nội cần phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng các khu nhà ở xã hội cho đúng mục đích, đúng đối tượng.

“Quan trọng nhất là chủ trương phải phù hợp, rõ ràng, có mục đích. Rất nhiều trường hợp nhà thu nhập thấp nhưng được buôn đi bán lại cho người khác để lấy giá cao hơn. Như vậy sẽ tạo ra sự chênh lệch mặt bằng và mục đích nhân văn sẽ không còn.

Đồng thời, để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào dự án nhà ở xã hội cần phải có những khuyến khích phù hợp để tạo điều kiện cho họ phát triển. Nếu không có định hướng rõ ràng thì rất khó để doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà với giá 100 triệu đồng. Không thể tự doanh nghiệp đi trước được mà cần phải có sức mạnh tổng lực”, ông Thám nhấn mạnh.

Cùng nêu ý kiến, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định, quỹ đất trên địa bàn thủ đô tại khu vực: vành đai 3, quanh cầu Vĩnh Tuy, Từ Liêm  hiện nay còn rất nhiều chỗ bỏ trống chưa được xây dựng. Do đó Hà Nội cần phải rà soát lại các vị trí đó để ưu tiên cho việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

“Cơ sở hạ tầng ở những nơi đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hiện nay Hà Nội đang phát triển giao thông khá nhanh do đó chúng ta dư sức kết nối. Ở những vị trí đó theo tôi chúng ta chỉ làm nhà ở xã hội khoảng 4 tầng để giảm thang máy, giảm cứu thương. Trong tổng thể đó thì tầng 1 có thể dùng làm trung tâm thương mại, kinh doanh để bù cho giá các tầng bên trên.

Khi kết hợp quần thể vui chơi, giải trí với khu dân cư thì sẽ giảm được gánh nặng cho người dân”, ông Hùng khẳng định.

Trong điều kiện hiện nay của Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng giá cả nhà ở xã hội trên địa bàn thủ đô có thể lên 1 tí theo tỷ lệ của trượt giá, giữ ở mức 150 triệu đồng. Tuy nhiên xét về mặt bằng chung của thành phố, ông Hùng khẳng định số tiền trên hoàn toàn có thể chấp nhận được.

“Với tư cách là một công dân thủ đô, một người làm trong ngành xây dựng, tôi hi vọng Hà Nội với chính sách sẽ thể hiện được sự cải thiện, đột phá, sự sáng tạo cũng như thể hiện được sự ưu việt của thủ đô trong các chính sách xã hội như dự án xây dựng nhà ở xã hội. Hà Nội có thể huy động tất cả các doanh nghiệp, bản thân các công nhân cũng phải đầu tư vào nhà mình, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị”, ông Hùng khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt