Top

Hà Nội: Đất công ở các khu công viên, giải trí được sử dụng như thế nào?

Cập nhật 01/10/2007 14:00

Sau vụ vườn thú Thủ Lệ bị hàng loạt các dịch vụ kinh doanh "bịt mặt" đến việc công viên Thống Nhất sắp biến thành "đại nhà hàng", phóng viên các báo đã tới một số khu công viên, vui chơi giải trí trên địa bàn Hà Nội và nhận thấy tình trạng sử dụng đất công tại các khu vực này hầu hết đều không đúng mục đích.

Là một trong 5 công viên có quy mô lớn nhất Hà Nội, khoảng 26ha, song diện tích sử dụng của công viên Tuổi Trẻ chỉ gói trọn quanh hai hồ nước và một phần giáp đường Võ Thị Sáu. Trước kia, nơi đây "biên chế" một "xóm liều" gồm nhiều hộ dân tứ tán khắp nơi đổ về, nay vẫn chưa giải tỏa hết. Qua tìm hiểu của chúng tôi, khoảng chục ngôi nhà kiên cố đã mọc lên trên đất của công viên Tuổi Trẻ và có hộ đã được chính quyền cấp "sổ đỏ".

Trao đổi với các phóng viên, ông Hoàng Văn Tiếu, Phó Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội - Chủ đầu tư các công trình công viên Tuổi Trẻ cho biết: "Hiện đất của Công viên Tuổi trẻ phần giáp đường Kim Ngưu và Thanh Nhàn có khoảng 1000 hộ dân sinh sống. Biết là việc sử dụng đất đó sai quy định pháp luật, nhưng chưa thể giải tỏa vì không quy hoạch được khu tái định cư, đành "tạm thời" để vậy. Dự án cải tạo các hạng mục vui chơi mới chỉ lắp đặt được 30% và đang bị ách lại". Bên cạnh việc đất công viên bị lấn chiếm làm nhà ở, diện tích giáp đường Võ Thị Sáu của công viên Tuổi Trẻ còn mọc lên một nhà hàng và câu lạc bộ bi-a kinh doanh biệt lập. Người dân qua đường, nhìn vào sẽ không nhận ra đó là đất thuộc khu công viên.

Cùng "cảnh ngộ" với công viên Tuổi Trẻ, công viên hồ Thành Công gần như chỉ còn... một cái hồ. Theo bản đồ quy hoạch thành phố, công viên này có tổng diện tích 8,7ha, nhưng hiện chỉ còn hơn 6 ha, trong đó diện tích mặt hồ nước đã chiếm... 6,1ha. Hàng loạt các dịch vụ nhà hàng, quán bar, cà phê... đã chiếm dụng diện tích xung quanh công viên để kinh doanh. Thậm chí, có quán cà phê còn tận dụng hàng liễu ven hồ để đặt la liệt bàn ghế.

Gần ba năm trở lại đây, quanh bờ Hồ Tây mọc lên một quán cà phê giải khát nằm sát dịch vụ kem và bánh tôm Hồ Tây. Quán này khoảng 20m2, lợp mái tôn, bày đủ thế cây cảnh và khi dựng quán, ông chủ tiện sở hữu luôn... ba cái ghế đá đặt sẵn ven hồ. Năm ngoái, hồ Thiền Quang được kè lại quanh bờ, cải tạo mặt hồ, thay nước, trồng cây xanh để tạo thêm không gian sạch cho người dân thư giãn. Nhưng, chỉ vài tháng sau đợt "thay ruột" này, mặt hồ lại tụ đầy rác thải, nước vẫn đen ngòm. Có hệ quả đó do các dịch vụ giải khát bên đường Nguyễn Du đã biến khu vực quanh hồ thành bãi để xe. Hơn thế, một quán cà phê còn mọc lên chễm trệ ngay trên bờ hồ.

   Thủ đô Hà Nội có khoảng 400ha đất công viên, vườn hoa. Năm 2010, phấn đấu đạt 8m2 diện tích công viên, cây xanh/người; đến 2020 sẽ là 12 - 15m2/người. Tuy nhiên, việc xâm lấn diện tích đất công viên đang diễn ra ở nhiều nơi, cộng với lưu lượng người dân ngoại tỉnh đổ về Hà Nội ngày càng dày như hiện nay, để tạo thêm những không gian xanh này đang trở thành... ảo tưởng.

Việc lấn chiếm hành lang bao ngoài của các công viên, khu vui chơi giải trí để bán trà đá, cà phê, có nơi lợp cả mái che, bày cây cảnh, hòn non bộ... đã không còn lạ mắt trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói là người dân đều biết những chuyện buồn này, nhưng một số cán bộ thành phố khi trao đổi với chúng tôi lại không hề biết, hoặc biết mà không thể tháo gỡ được vì hiện tượng diễn ra tràn lan, phổ biến rồi.

Công viên Hà Nội đứng trước bài toán vừa thừa vừa thiếu, đó là thực trạng bi hài khi PV khảo sát trực quan trong những ngày tháng 9 này. Tại công viên Thống Nhất, khu vực quanh Hồ Tây, Hồ Gươm, bán đảo Linh Đàm... từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối luôn quy tụ lưu lượng người rất đông, nhưng ở nhiều công viên "tỉnh lẻ" như Nghĩa Tân, Yên Sở, Indira Gandhi... lại "vắng như chùa bà đanh". Giải thích hiện tượng "ngủ đông" này, ông Ngô Văn Hắc - Trưởng Ban quản lý công viên Indira Gandhi cho biết: "Công viên chỉ lác đác người đến vào tinh mơ sáng để tập thể dục, bởi nơi đây ít cây xanh và không có gì hấp dẫn. Từ lâu, chính quyền địa phương cũng không chú trọng đầu tư nên chỉ có một chiếc đu quay và cầu trượt được lắp từ năm 1998, nay gần như hỏng. Thi thoảng có đám cưới trong khu vực, công viên sẽ cho thuê mặt bằng để tổ chức ăn uống". Bộ mặt thường trực ở các công viên "nghiệp dư" này là những quán cóc bán trà đá và đôi hàng nước mía.

Trở lại vụ "disney land" ở công viên Thống Nhất. Trước phản ứng gay gắt của người dân thủ đô và báo chí khi một số nhà đầu tư muốn biến công viên Thống Nhất thành nơi kinh doanh, UBND TP. Hà Nội vừa phải mở một buổi tọa đàm, gồm một số người dân và các cơ quan báo chí.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội chính thức trả lời: "Tôi khẳng định: thành phố chưa bao giờ phê duyệt một dự án xây dựng công viên nào có tên là Disney Land. Hiện nay, việc cải tạo công viên Thống Nhất vẫn đang trong giai đoạn xem xét thiết kế quy hoạch. Thành phố cũng đang xem xét nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết công viên Thống Nhất do Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, phê duyệt. Vừa rồi có nhà đầu tư công bố tên dự án này là Disney Land hay có thể là một cái tên nào khác thì đó là chuyện của nhà đầu tư. Quan điểm của Thành phố là dự án buộc phải tuân thủ các nguyên tắc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của công viên".

Phát ngôn trên của ông Thịnh phần nào làm yên lòng người dân Hà Nội, nhưng không ai dám chắc khi tính chất thương mại ăn quá sâu vào các giá trị văn hóa phi vật thể, việc bảo tồn những "không gian xanh, không gian tĩnh" này liệu có còn nguyên  trạng ?

Thực tế diễn ra trước đó, hàng loạt các công trình trái phép, không phép và dịch vụ kinh doanh được xây dựng trên đất của công viên Thủ Lệ UBND TP đã lập đoàn kiểm tra, ra quyết định giải tỏa, nhưng đến nay chưa dứt điểm. Anh Lê Song Xuân, một người dân gốc Hà Nội đã chuyển vào Buôn Ma Thuột, vừa trở lại thăm thủ đô, nói với chúng tôi: "Hà Nội là thủ đô cả nước nên phải là điểm sáng cho nhiều địa phương khác noi theo. Nhiều năm sống ở Hà Nội, tôi chứng kiến không phải chỉ một vườn thú bị xâm chiếm mà còn nhiều nơi khác nữa. Vì một thủ đô ngàn năm văn hiến, tôi rất mong chính quyền thành phố cương quyết dứt điểm, thực hiện đúng pháp luật, không để đất công bị chiếm dụng như vậy".

Theo Bộ TN & MT