Tình trạng cấp dưới "to" hơn cấp trên, cơ chế liên ngành khiến thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà làm dự án bị đình lại, không thể triển khai... Những bất cập này đã được lãnh đạo Hà Nội thẳng thắn nêu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 25/11.
Nhiều hecta đất ở Hà Nội vẫn bị bỏ hoang do thủ tục dự án rườm rà. Ảnh:VNN |
"Tắc" ở chuyên viên
Bí thư huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Xuân Cửu nêu chuyện một dự án nhà máy xử lý rác thải ở huyện này chỉ chờ mỗi văn bản về chỉ giới đường đỏ mà gần 1 năm nay vẫn chưa thể tiến hành. Trong lúc chờ đợi, chính sách bồi thường thay đổi, chi phí giải phóng mặt bằng dự án lẽ ra chỉ tốn 10 tỷ đồng, giờ đã đội lên thêm 40 tỷ đồng.
“Tiền eo hẹp, nếu thủ tục nhanh thì làm được 2-3 công trình. Nhưng nếu ách tắc do thủ tục hành chính thì chỉ còn làm được 1”, ông Cửu nói.
Trong khi đó, Bí thư quận ủy Hà Đông Lê Hồng Thăng cho hay TP chỉ đạo tìm đất xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho sinh viên, quận chỉ tổ chức cuộc họp ngắn có “đáp án” nhưng những khâu tiến hành về sau lại vướng cơ chế liên ngành về thủ tục hành chính.
"Quận mời các ngành họp liên tục nhưng tới giờ, khu đất hơn 100ha vẫn bị bỏ hoang, quy hoạch còn chưa xong. Cải cách hành chính kiểu gì?”, ông Thăng bức xúc.
Bí thư quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh cũng cho biết quận này đang triển khai trên 100 dự án lớn, nhỏ nhưng thủ tục tiến hành dự án "quá vất vả". Đáng ngại nhất là tình trạng giám đốc sở, ngành đã "gật" dự án nhưng làm việc với chuyên viên lại bị “lắc”.
“Ngay ở quận tôi, cứ lơi ra là lại có chuyện vì cán bộ cứ cho mình là “to” lắm... Chuyên viên mà to như chủ tịch thành phố. Đi họp về không báo cáo lại khó khăn, vướng mắc khiến dự án càng trì trệ".
Nhấn mạnh cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chưa đạt yêu cầu, ông Cửu cũng cho rằng việc "tắc ở chuyên viên là chính".
Bí thư huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc nhận định thủ tục còn "phiền hà, phức tạp” khiến nhiều dự án vướng thủ tục, "lình xình" mãi mới làm được như quy hoạch huyện Thanh Trì đáng ra phải công bố một tháng sau khi phê duyệt nhưng cuối cùng phải 6 tháng mới làm được.
Chậm vì chờ "liên ngành"
Cơ chế liên ngành được lãnh đạo các quận, huyện chỉ ra như điểm ách tắc trong cải cách hành chính, ảnh hưởng tới tăng trưởng của Thủ đô. Ông Lê Hồng Thăng cho rằng nếu cứ phải "hỏi" ý kiến ngành này, ngành kia sẽ mất nhiều thời gian nhưng cũng không rõ trách nhiệm cụ thể.
“Thành phố đã chỉ cơ quan nào chủ trì thì nơi đó phải chịu trách nhiệm chính, mời ai tham góp ý kiến là tự quyết, chứ cứ chờ “liên ngành” thì việc không giải quyết được hoặc sẽ rất chậm”, ông Thăng đề nghị.
Ông Cửu thì đề nghị lãnh đạo sở, ngành “kiểm duyệt” công việc của cấp dưới đồng thời cũng phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, TP cần tăng mạnh phân cấp và tính linh hoạt trong vận dụng chính sách. Việc nào xã, huyện làm được thì nên phân cấp. Những vấn đề cấp thiết, bức xúc cũng cần quyết ngay chứ ngồi chờ quy hoạch chung thì "không ổn”.
Phó Chủ tịch TP Phí Thái Bình nhận định thực trạng về thủ tục hành chính vẫn “còn tắc trách của một số cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp và người dân”.
Tiếp tục coi cải cách hành chính là khâu đột phá trong năm 2010, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong phân cấp quản lý, tăng kiểm tra, thanh tra công vụ để xử lý kịp thời các vi phạm.
Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, người đứng đầu trong bộ máy quản lý, Hà Nội cũng sẽ chủ động rà soát, kiên quyết điều chuyển, thay thế các cán bộ yếu năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: