Thời gian qua, việc đảm bảo trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Hà Nội cần kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh minh hoạ: TTXVN
|
Đáng chú ý là số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, cá biệt có nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công vẫn còn phổ biến.
Để xử lý dứt điểm những tồn tại nhức nhối này, năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phải có giải pháp phòng ngừa ở những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, xử lý kiên quyết, tiến tới chấm dứt tình trạng lấn chiếm trái phép đất công và đất nông nghiệp.
Theo thống kê, hiện nay, vẫn còn hàng trăm căn nhà ngang nhiên xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp một cách công khai. Đơn cử tai khu đất bãi sông Hồng thuộc địa bàn các phường: Tứ Liên, Phú Thượng (quận Tây Hồ) và một số vị trí thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) có một số đối tượng xã hội đen lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà cấp 4 để bán.
“Về lâu dài, Sở Xây dựng phải bám sát để tham mưu thành phố chỉ đạo các quận, huyện xử lý nghiêm”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Hà Nội phải tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và giấy phép xây dựng tại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là trên các tuyến phố, tuyến đường, nút giao thông mới mở như: vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 2, 5...
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đôn đốc, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các công trình "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn đọng; phấn đấu không để phát sinh những vi phạm mới.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2017, Sở đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra và đã xử lý một cách nghiêm túc, góp phần làm giảm tỷ lệ sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, Sở đã đề xuất UBND thành phố trình Chính phủ và được chấp thuận triển khai thí điểm mô hình “Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện” nhằm đảm bảo tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó có 1.916 công trình vi phạm. UBND cấp xã, huyện đã xử lý 1.571 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 34 trường hợp.
Theo đó, chính quyền các cấp cũng ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 8 tỷ đồng. Năm 2017, số công trình vi phạm đã giảm đáng kể (khoảng 583 công trình, tương ứng giảm 12% so với năm 2016), số công trình vi phạm còn tồn đọng ít (123 công trình).
Cũng theo ghi nhân thực tế, các công trình “siêu mỏng, siêu méo” còn tồn tại nhiều năm đã và đang được Thành ủy – HĐND và UBND thành phố tập trung chỉ đạo dứt điểm với nhiều giải pháp tích cực.
Tính đến tháng 8/2016, tổng số công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng còn 147 trường hợp, đến nay đã giải quyết được 15 trường hợp, còn 132 trường hợp đang tiếp tục xử lý.
Những trường hợp phát sinh mới đã được hạn chế tối đa trong quá trình quy hoạch, thiết kế và thi công tuyến đường mới mở. Không có hoặc chưa phát hiện công trình vi phạm về trật tự xây dựng nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc dư luận./.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: