Mặc dù các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay về mức 14% nhưng các doanh nghiệp địa ốc không mặn mà.
Sau khi Ngân hàng nhà nước phát đi thông tiếp về hạ lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, TienphongBank, ABBank... đã đưa lãi suất huy động về 11%/năm, giảm lãi suất cho vay về mức 13-14%/năm.
Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng xem ra con đường để có thể tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng vẫn còn nhiều chông gai khi nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn có được cơ hội vay vốn.
Cơn bão tín dụng xảy ra năm 2011 dường như đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản kiệt sức khi vốn cạn, tài sản không còn nhiều, hàng tồn kho lớn… Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã phải chấp nhận bán hoặc thế chấp tài sản cho ngân hàng để lấy vốn, nên hiện không còn tài sản thế chấp.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường – Ủy viên Hiệp hội BĐS Việt Nam, để có thể cầm cự trong cơn bĩ cực, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải mang tài sản là các bất động sản đi thế chấp tại ngân hàng hoặc bán 30-70% lượng cổ phần cho ngân hàng và các quỹ đầu tư. Hiện giờ, khi lãi suất đang dần hạ nhiệt thì các doanh nghiệp không đủ tài sản để thế chấp vay ngân hàng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải đứng ngoài cuộc chơi.
“Giảm lãi suất hiện nay không phải là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp mà việc cần giải quyết trước đó là các doanh nghiệp BĐS đang có khoản vay, chưa được xử lý, thì gần như tất cả các doanh nghiệp lớn đang tham gia BĐS chưa thể hấp thụ được nguồn vốn mới” ông Cường nhấn mạnh
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group cho hay, hiện nay vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt không phải do lãi suất cao mà là do không có đầu ra.
“Người tiêu dùng không mua thì doanh nghiệp xây nhà làm gì kể cả lãi suất vay bằng 0. Nếu bất động sản thanh khoản được, đầu ra sản phẩm có thì kể cả lãi suất 30% doanh nghiệp cũng vay. Giải pháp cần thiết nhất hiện này là làm sao thúc đẩy được đầu ra sản phẩm".
Đại diện doanh nghiệp bất động sản cho biết, từ 1 năm nay, hầu hết các doanh nghiệp không bán được hàng nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng nên tiền mặt cạn kiệt. “Việc hạ lãi suất là điều đáng mừng nhưng đó không thể là đôi đũa có phép màu để biến doanh nghiệp nguy hiểm thành an toàn. Muốn được an toàn, họ phải thật sự được vay vốn để đầu tư. Ngoài ra sản phẩm phải được khách hàng chấp nhận. Nếu vay vốn đầu tư mà khách hàng không chấp nhận thì cũng “chết” và thiệt hại ngày càng lớn dần”.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: