Top

Gói 30.000 tỷ: Kiến nghị kéo dài hạn vay lên 15 năm

Cập nhật 20/04/2014 07:43

Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản báo cáo một số nội dung liên quan đến việc cho vay hỗ trợ nhà ở và thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở.


Theo đó, cơ quan này cho biết, vừa qua Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung đối tượng cho vay là các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù  hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lũ, được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay Chính phủ đã có chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở riêng đối với các vùng ngập lũ. Mặt khác, việc cho vay của các ngân hàng thương mại Nhà nước được thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại nên người vay cần phải có thu nhập đảm bảo trả gốc và lãi định kỳ cho ngân hàng.

Theo đó, việc đưa vào chương trình các đối tượng này khó khả thi và rất nhạy cảm trong trường hợp đưa vào triển khai nhưng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đồng thời, thực tế tại các khu vực nông thôn vùng ven biển thường xuyên bị bão lũ chủ yếu chỉ có mạng lưới của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vì vậy nếu đưa vào chính sách thì người dân khó có điều kiện tiếp cận vốn vay.

Liên quan đến đề nghị của Bộ Xây dựng về việc cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% x 1,05 tỷ đồng, tương đương 800 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này thống nhất với đề xuất nói trên của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, mức cho vay đối tượng này phải thấp hơn mức cho vay đối với nhà ở xã hội, và Ngân hàng Nhà nước đề nghị tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ của gói 30.000 tỷ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng là đối tượng thu nhập thấp; cho phép được cho vay trong gói 30.000 tỷ đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng, không khống chế về diện tích và đơn giá, để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Cùng với đó là cho phép các đối tượng ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở trước ngày 7/1/2013 được vay trong gói hỗ trợ này; bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở.

Về đề án thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở (MRA), Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đề án này đã được gửi xin ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo đề án, trình ban chỉ đạo xem xét.

Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai MRA là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó cần hoàn thiện khung pháp lý, căn cứ triển khai để tạo cơ sở triển khai mô hình MRA tại Việt Nam.

Cùng với đó, nguồn vốn hoạt động của MRA bao gồm Ngân hàng Nhà nước cấp 3.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu chưa cụ thể, rõ ràng và chưa có tính khả thi…

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy