Top

Giới đầu tư BĐS sẽ "chùn tay" sau khi nghe lời cảnh báo này từ Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Cập nhật 18/07/2016 13:37

"Rất có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay", ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cảnh báo.


Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM quý II/2016 được các công ty nghiên cứu BĐS đánh giá đang chững lại so với năm 2015 khi lượng căn hộ mở bán mới và lượng giao dịch sụt giảm. Xét về nguồn cung cuối năm, CBRE cho rằng thị trường BĐS cuối năm sẽ đón nhận sự đổ bộ của hàng chục nghìn căn hộ cao cấp gây nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Cùng quan điểm với CBRE, các chuyên gia bất động sản cũng có quan ngại khi nguồn cung căn hộ cao cấp quá cao khiến lượng giao dịch không thể theo kịp với nguồn cung mới mỗi quý. Trong khi đó, người mua chủ yếu đa phần là nhà đầu tư, nhu cầu mua thực để định cư có vẻ đã chững lại. Do đó, các chuyên gia lo ngại về tính bất ổn cho thị trường cũng gia tăng dần.

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng này, ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: "Ở Việt Nam số người có thu nhập tốt, ở nhà cao của rộng chỉ chiếm 20%, 80% là những người có thu nhập vừa và thấp. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang mất cân đối cung cầu, thiếu căn hộ giá rẻ và trung bình, thừa căn hộ cao cấp".

Cũng theo chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư lựa chọn phát triển dòng sản phẩm này là lợi nhuận đầu tư vào phân khúc cao cấp cao hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn. "Dù nguồn cung trên thị trường đã rất cao nhưng tâm lý của các chủ đầu tư trên thị trường đều tự tin sản phẩm của mình sẽ bán được. Chính điều này khiến nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi sức mua của thị trường thì có hạn".

"Rất có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu thị trường vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay", ông Nam cảnh báo.

"Bài học 2010-2011 khủng hoảng BĐS chúng ta đã thấy rất rõ. Thời điểm đó cả nước có gần 4.000 dự án BĐS, trong đó có rất ít dự án nhà ở xã hội và thu nhập thấp. Chính vì thế gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa, tiền không quay được về ngân hàng, sản phẩm vật tư không đưa vào được sử dụng, các khu đô thị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực xã hội", ông Nam cho biết.

Với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường BĐS, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định chắc chắn: "Một thị trường muốn bền vững thì phải cân đối cung cầu. Một mặt đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhưng mặt khác cũng phải có nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở".

“Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian tới Hiệp hội sẽ có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, đồng thời định hướng các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân” – ông Nam cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ