Top

Giao dịch bất động sản tăng: Vẫn lo cho dài hạn!

Cập nhật 08/04/2016 13:31

Ba tháng đầu năm, lượng giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh tăng cao, giá giao dịch cũng có chiều hướng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong việc "mừng" hay "lo" cho thị trường trong dài hạn.

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang tăng trưởng tốt.

Tăng "nóng"!

Hàng loạt dự án vừa mở bán trên thị trường TP Hồ Chí Minh, mỗi dự án có hàng nghìn người chen lấn để xem nhà mẫu, đặt cọc mua căn hộ cho thấy thị trường BĐS ở TP Hồ Chí Minh đang sôi động.

Khảo sát từ Công ty CBRE Việt Nam, trong quý I-2016 các doanh nghiệp BĐS mở bán 7.708 căn hộ, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là phân khúc bình dân và trung cấp với khoảng 73% tổng cung chào bán mới. Lượng bán là 9.090 căn hộ, tăng 27% so với cùng kỳ. Phân khúc cao cấp chiếm 41%, phân khúc trung cấp chiếm 39%. Công ty Savills Việt Nam cho biết, có gần 7.600 căn hộ được tung ra trong quý này. Số lượng giao dịch đạt được hơn 6.300 căn và tỷ lệ hấp thụ cao nhất là phân khúc hạng A. Còn theo khảo sát từ Công ty Nghiên cứu thị trường JLL thì lượng mở bán là 9.720 căn, trong đó phân khúc trung cấp đóng góp hơn 50%. Số lượng bán được đạt 9.000 căn, với giá bán trên 1.000 USD/m2 chiếm đa số.

Theo dự báo của CBRE, con số mở bán sẽ tiếp tục tăng vào những quý sau bởi từ cuối quý I đã có nhiều dự án hạng sang và cao cấp được giới thiệu đến khách hàng. Các chủ đầu tư BĐS còn tự tin tăng giá chào bán lên 2.029 USD/m2, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với quý IV-2015. The CBRE Việt Nam, mức giá trung bình trên thị trường sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian sắp tới.

Nhận xét về sức tăng "nóng" của thị trường trong thời gian gần đây, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành là do người có nhu cầu chuyển tiền sang BĐS. Người tiêu dùng đang có nhiều lợi thế bởi nguồn cung lớn, có nhiều lựa chọn.

Có nên lo cho dài hạn?

Nhận xét về sức tăng của BĐS trong dài hạn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển tỏ ra khá thận trọng. Theo ông Hiển, sức mua đang tăng "nóng" bởi với các nhà đầu tư thì BĐS hiện là kênh đầu tư hấp dẫn nhất; mặt khác, có rất nhiều thông tin hấp dẫn người mua nhà như ở phân khúc bình dân, thông tin gói 30.000 tỷ đồng Chính phủ ngừng giải ngân vào ngày 1-6 cũng khiến người mua nhà "chạy đua" để được hưởng ưu đãi lãi suất… Chuyên gia Đinh Thế Hiển khẳng định, diễn biến thị trường hiện tại tốt cho công ty BĐS nhưng không phù hợp với mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

Ở phân khúc cao cấp, phần nhiều người mua là để đầu tư, đầu cơ. Người thực sự có nhu cầu nhà ở quan tâm tới phân khúc bình dân và trung cấp. Điều này gây rủi ro trong dài hạn bởi nhà đầu tư sẽ nhanh chóng rút lui khi thị trường có dấu hiệu đi xuống. Bởi vậy, sức "nóng" của thị trường có kéo dài hay không vẫn là một dấu hỏi. Ông Hiển dự đoán, sức mua tăng sẽ kéo dài cho đến hết quý II-2016.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Điều hành của CBRE Việt Nam nhận định, phân khúc bình dân và trung cấp vẫn sẽ tiếp tục chi phối thị trường nhà ở, đặc biệt với các căn hộ quanh ngưỡng giá 1,5 tỷ đồng. Với hình ảnh hàng trăm người chen lấn mua nhà như năm 2007, ông Marc Townsend cho biết đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra với CBRE rằng liệu sẽ có bong bóng BĐS xảy ra cho thị trường căn hộ hay không? Theo ông Marc Townsend, hiện thị trường đã phát triển đa dạng và phức tạp hơn, khách hàng ngày càng "khôn ngoan" hơn, còn chủ đầu tư vẫn chưa quên những bài học của giai đoạn thị trường trầm lắng. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn tiếp tục theo dõi sát sao thị trường, kiểm soát tín dụng BĐS bằng cách đề xuất sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường đang duy trì đà tăng trưởng và trong những năm sắp tới, BĐS sẽ có thêm thuận lợi từ các cam kết hội nhập của Việt Nam với thế giới. Theo ông Lê Hoàng Châu, BĐS giai đoạn này rất khác giai đoạn năm 2007 bởi cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có kinh nghiệm hơn sau sự đổ vỡ thị trường năm 2007. Thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước chính là "thông điệp" cảnh báo thị trường, để thị trường đi đúng hướng; bên cạnh đó năng lực của các chủ đầu tư BĐS cũng đã được nâng lên… Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu cho rằng không nên quá lo lắng về sự phát triển của BĐS trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới