Hiện ở Hà Nội còn khoảng 100.000 căn hộ không bán được |
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, vào thời điểm cuối quý II/2012, tại Hà Nội có trên 100.000 căn hộ không bán được, trong khi tại TP.HCM cũng có 47.000 căn bị tồn kho. Tình trạng này diễn ra trong khi giá bán của các căn hộ giảm mạnh, khoảng 50% ở TP.HCM và 40% tại Hà Nội so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Một câu hỏi đặt ra là, hiện tại, việc giảm giá BĐS có phải là giải pháp tốt để cứu thị trường hay không?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Vinalink Land nhận định, việc giảm giá chưa hẳn là giải pháp hữu hiệu trong dài hạn. Các doanh nghiệp (DN), nhất là ở khu vực phía Nam, đã mạnh dạn áp dụng việc giảm giá này từ cách đây 2-3 quý. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảm giá cũng rất hạn chế, thường chỉ có tác dụng ở từng thời điểm. Nhìn chung, khách hàng có tâm lý mong đợi giá BĐS hạ thấp hơn nữa, nhất là với phân khúc trung và cao cấp.
“Trên cơ sở nhu cầu, nhà ở thương mại có giá bán từ 12 đến 14 triệu đồng/m2 vẫn phát triển rất tốt. Nếu DN tập trung đầu tư phát triển mảng này thì vẫn có thể tăng trưởng tốt”, ông Anh nói.
Đáng chú ý, đây là mảng thị trường nhắm chủ yếu đến đối tượng khách hàng là người từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc tại các đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn BĐS Info, thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) nhận xét, giá BĐS được cấu thành từ 3 yếu tố chính là tiền đất, chi phí xây dựng và lợi nhuận. Giá BĐS ở Việt Nam cao vì cả 3 yếu tố này đều cao. Đối với DN, nhất là trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại, thì việc giảm chi phí xây dựng cũng như tính toán mức độ lợi nhuận hợp lý là các yếu tố rất quan trọng để dần đưa giá BĐS về giá trị thực của nó.
“DN chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm chi phí xây dựng, mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cụ thể, vào ngày 8/8 vừa qua, Ocean Group đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Viglacera để có thể được cung cấp tất cả các vật liệu xây dựng hoàn thiện trực tiếp giúp giảm chi phí xây dựng đến mức thấp nhất có thể”, ông Nam cho biết.
Ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho rằng, việc giảm hay tăng giá đều phải tính trên cơ sở giá trị thực của sản phẩm. Việc DNp giảm giá BĐS tại thời điểm hiện tại cũng nhằm đem đến cho khách hàng những sản phẩm BĐS với giá trị thật. Nếu một DN tại thời điểm hiện tại chỉ nhắm đến việc giảm giá BĐS để tồn tại, thì họ sẽ gặp phải những hệ lụy về sau. Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất, để giải quyết những khó khăn của thị trường, cần đồng thời đưa ra các giải pháp đồng bộ khác, như việc xử lý nợ xấu (cần được ưu tiên hàng đầu), các chính sách kích thích nguồn cầu của thị trường (ưu đãi lãi suất vay vốn của ngân hàng cho khách mua, cho phép xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ…).
Đối với DN BĐS, để giá của sản phẩm phù hợp với thị trường, thì diện tích của căn hộ cũng như mức độ đầu tư sản phẩm cần phải định hướng lại.
Quan sát thị trường thời gian qua không khó để nhận ra rằng, việc giảm giá của sản phẩm BĐS tại thời điểm hiện tại chỉ dành cho những sản phẩm mới đầu tư hoặc những chủ đầu tư đang cần thanh lý dự án BĐS của mình. Với những dự án được đầu tư từ những thời điểm thị trường còn nóng, thì các chủ đầu tư chọn cho mình cách dừng lại không bán sản phẩm nữa, hoặc xây dựng những sản phẩm BĐS mới và phù hợp với thị trường.
Như vậy, việc giảm giá chỉ là một trong những yếu tố để “hạ nhiệt” cho những sản phẩm được xây dựng trong quá khứ đã phát triển quá nóng, đưa BĐS về giá trị thực. Còn để giải cứu thị trường thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, chứ không chỉ đơn thuần là giảm giá.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: