Top

Giải tỏa 'đại siêu thị' đồ cũ: Cán bộ sợ dân vi phạm sẽ kiện?

Cập nhật 24/09/2018 09:53

“Cái gì cũng phải có quy trình. Xử phạt, cưỡng chế không đúng với quy trình, những hộ vi phạm kiện bọn anh thì biết làm sao, nghe chửa”, ông Tô Quang Thiện - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh cho biết khi trao đổi với Tiền Phong về tình trạng xử lý vi phạm an toàn đường sắt tại cầu Thăng Long.


Sau loạt bài phản ánh của Tiền Phong liên quan đến việc hàng chục tấn đồ máy móc cũ của “đại siêu thị” ngang nhiên chui dưới gầm cầu Thăng Long, và hàng loạt hộ kinh doanh vi phạm nghiêm trọng đến an toàn đường sắt tại địa bàn huyện Đông Anh.

Tháng 8/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra yêu cầu UBND huyện Đông Anh phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên đến nay, sự chuyển động của chính quyền cấp dưới để giải quyết tình trạng này vẫn diễn ra rất chậm.

Đặc biệt, khi phóng viên liên hệ với ông Tô Quang Thiện - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh, đơn vị được giao xử lý trực tiếp vấn đề vi phạm an toàn đường sắt tại cầu Thăng Long thì ông này cho rằng “cái gì cũng phải có quy trình. Xử phạt, cưỡng chế không đúng ngày với quy trình, những hộ vi phạm kiện bọn anh thì biết làm sao”?

Ông Tô Quang Thiện - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh trao đổi với Tiền Phong trong một lần về "đại siêu thị" đồ cũ Nhật

Chính quyền làm việc sao lại không quyết tâm?

Thưa ông, sau hơn 20 ngày tuyên truyền, vận động, hiện tại đã có bao nhiêu hộ chủ động di dời?

Đến nay, đã có 1/3 hộ di dời rồi. Chỗ “đại siêu thị” máy móc cũ, 80% máy móc cũng đã được chuyển đi.

Vậy, đối với những hộ chưa di dời, theo như kế hoạch khi nào chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế?

Đến ngày 15/9 là đã xong thời gian vận động, tuyên truyền. Chính quyền ra thời hạn 5 ngày để quyết định cưỡng chế và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Hiện tại đã có kế hoạch ra quân, dự kiến ngày 19, 20, nghe chửa.

Được biết, UBND huyện Đông Anh cũng đã nhiều lần ra quân giải quyết tình trạng vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Không biết đợt ra quân này, UBND huyện Đông Anh có thực sự quyết tâm giải tỏa dứt điểm?

Sao lại có quyết tâm giải tỏa dứt điểm không là thế nào? Bọn anh lại để em dạy bảo là không quyết tâm hay quyết tâm hả. Chính quyền làm việc mà lại hỏi có quyết tâm không? Nếu sau ra quân hộ nào còn vi phạm, chính quyền sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt luôn. Thế thôi, nghe chửa.

Những hộ tiếp tục tái vi phạm thì UBND huyện xử lý như thế nào?

Hộ nào không chịu giải tỏa, di dời thì mình lại tiếp tục cưỡng chế, thế thôi. Hộ nào tái phạm thì lập biên bản quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế. Thế thôi, nghe chửa.

Tuy nhiên, số tiền thu được từ việc kinh doanh trái phép dưới gầm cầu cao hơn nhiều so với số tiền xử phạt nên nhiều hộ vẫn chấp nhận bị xử phạt để tiếp tục vi phạm? Đối với những hộ này, UBND huyện có biện pháp gì?

Có nhiều hành vi vi phạm, như vi phạm hành lang an toàn đường sắt, vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt. Mỗi hành vi có một mức xử phạt, nghe chửa. Em phải tin cơ quan hành chính nhà nước. Chứ sao lại hỏi những chuyện như thế được. Cơ quan hành chính nhà nước ra quân thì làm sao người dân mà dám chây ì…

Xử phạt không đúng quy trình, dân kiện biết làm sao?
Trong hai ngày 19 và 20/9, ghi nhận của phóng viên cho thấy, phía chính quyền địa phương vẫn chưa có hành động nào để giải quyết tình trạng vi phạm trên. Chiều ngày 20/9 phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Thiện thì được vị này cho biết, UBND huyện Đông Anh vừa ra thời hạn thêm 15 ngày (tức ngày 1/10) cho những hộ vi phạm, sau đó mới tiến hành cưỡng chế.

Lý giải về điều này, ông Thiện cho hay phải thực hiện theo quy trình. Sau quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ có thông báo cưỡng chế để những hộ vi phạm có thời gian giải tỏa. Sau thông báo, chính quyền sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả rồi mới đến cưỡng chế.

“Cái gì cũng phải có quy trình. Xử phạt, cưỡng chế không đúng ngày với quy trình, những hộ vi phạm kiện bọn anh thì biết làm sao, nghe chửa”?, ông Thiện nói.

Hàng loạt hộ dân kinh doanh ngay dưới tuyến đường sắt cầu Thăng Long đến nay vẫn chưa chịu di dời

Theo ghi nhận, đến nay, vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa chịu di dời. “Đại siêu thị” đồ cũ Nhật với hàng chục tấn đồ cơ khí cũng mới chỉ chuyển đi được số lượng rất ít mang tính chất đối phó. Hàng loạt cơ sở vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa có chuyện gì. Một số cơ sở vi phạm cho biết đã nhận được thông báo từ phía các cơ quan chức năng, nhưng việc di dời hay không còn... tùy vào sự quyết liệt của chính quyền.

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, việc lấn chiếm an toàn đường sắt tại cầu Thăng Long đã diễn ra gần 10 năm qua nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, ông Quân khẳng định, lần này UBND huyện Đông Anh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng này; không để bức xúc trong dư luận như trong thời gian qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong