Top

Giải cứu BĐS: Ngân hàng muốn cũng khó thành

Cập nhật 05/05/2012 08:15

Nếu trong thời gian còn lại của năm 2012, hành động tiên phong của BIDV không tạo được hiệu ứng khuếch tán đáng kể nào đối với các ngân hàng khác, có thể hiểu là số phận của thị trường BĐS sẽ được nhanh chóng định đoạt.

Chỉ là một cánh én


Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn quá trầm lắng thì vào cuối tháng 4/2012 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất mô hình "Liên kết 4 nhà" để cứu các DN bất động sản

Theo phương thức này, sẽ có một gói hỗ trợ vốn và bảo lãnh thanh toán cho chủ dự án, nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng, để cùng với ngân hàng sẽ tạo nên trục "4 nhà". Mục tiêu chính của phương thức này là đảm bảo cho sự thanh toán giữa chủ đầu tư, nhà thầu và người cung cấp vật liệu xây dựng và để dự án có sản phẩm đưa ra thị trường sớm. Gói hỗ trợ này cũng tập trung ở hai trọng điểm Hà Nội và TP.HCM. Điều này cũng dễ hiểu là ngân hàng và các chủ đầu tư chỉ có thể đưa ra chính sách giải cứu ở những nơi họ bị "kẹp hàng" mà thôi.

Ngân hàng BDIV vừa mới cho biết, họ đã lên một kế hoạch tổng thể tăng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng. Cụ thể, BIDV sẽ dành một khoản tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng dành cho vay mua nhà. Thời hạn bắt đầu từ 1/5/2012với lãi suất hấp 16%/năm, thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) thông báo dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và các khách hàng cá nhân vay mua, xây sửa chữa nhà. Trong khi đó, Ngân hàng An Bình cũng đang đẩy mạnh triển khai chương trình Mua nhà an cư dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất, xây và sửa chữa/ nâng cấp nhà. Abank sẽ dành một khoản vốn lên đến gần 1000 tỷ đồng cho chương trình này.


Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) triển khai chương trình "Ưu đãi lãi suất cho vay" đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động, kinh doanh trung dài hạn, sản xuất kinh doanh trả góp, mua nhà ở, xây sửa nhà, mua xe ôtô hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm... được cấp vốn với thời hạn vay tối đa 60 tháng, số tiền vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng.

Các ngân hàng đều có chương trình và tuyên bố cứu BĐS. Điều đó cũng thật là dễ hiểu khi các ngân hàng buộc phải cứu các DN để cứu mình khi họ đang đọng hàng trăm ngàn tỷ tiền vốn cho vay các DN đầu tư xaayduwngj, cá nhân buôn bán nhà đất. Và nếu buông thì đây coi như thàng món nợ xấu, và hy vọng còn lại là bơm tiền để làm sống dậy thị trường hòng vớt vát lại nguồn vốn đã bỏ ra, hoặc chí ít cũng cho DN có thêm sức sống để tìm cách cơ cấu lại nợ nhằm trách một bản kiểm toán quá xấu.

Cái chết vẫn chờ chực trên ngưỡng cửa

Về thực chất, chủ trương cơ cấu lại nợ mà Ngân hàng nhà nước đưa ra chỉ có thể làm cho các ngân hàng yên tâm hơn khi tiến hành "đảo nợ". Nhưng cho dù phần lớn các doanh nghiệp BĐS có được khoanh nợ và giãn nợ, thì với tình trạng gần như không thể tiêu thụ sản phẩm, nợ sẽ chỉ ngày càng chồng chất hơn mà thôi. Và về phần mình, đến một lúc nào đó các ngân hàng sẽ không còn sức để chịu đựng thay cho doanh nghiệp, sẽ phải tự tìm cách cứu mình trước bằng hành động phát mãi tài sản thế chấp. Khi đó, hậu quả phải gánh chịu sẽ không chỉ là doanh nghiệp phá sản, mà nguy cơ ngân hàng đổ bể dây chuyền cũng có thể phát tác...

Cũng cần chú ý đến "lời kêu gọi" của BIDV về việc các doanh nghiệp cần phải giảm giá sản phẩm thì mới mong tiêu thụ được. Thực tế cho đến nay, ngoài một số ít chủ đầu tư giảm giá theo kiểu khuyến mãi, mới chỉ có Hoàng Anh Gia Lai là đơn vị đầu tiên tuyên bố sẽ giảm giá thực chất đến 50% giá bán căn hộ. Nhưng phản ứng lại với thông tin gây sốc này, một số chủ đầu tư khác vẫn giữ thái độ "kiên định". Một trong số đó - Công ty SC5 - còn nói thẳng rằng doanh nghiệp nào sắp chết thì cứ để họ quẫy cho đến chết, chứ SC5 sẽ không đời nào bán phá giá sản phẩm của mình.

Mức độ phân hóa trong nội bộ chủ đầu tư BĐS đang ngày càng cao và càng sâu sắc. Lằn ranh giữa tồn tại và cái chết đã hiển thị rõ ràng. Rốt cuộc thì các thời điểm đáo hạn, ân hạn và đảo nợ cũng đã trôi qua cả năm trời mà hệ số tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp vẫn gần như bằng 0. Tình hình này, nếu còn tiếp nối đến cuối năm 2012 thì chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp BĐS phải đội nón ra đi.

Gần đây nhất, Quốc Cường Gia Lai, một doanh nghiệp BĐS lớn ở khu vực phía Nam, đã lâm vào tình thế thật sự nguy hiểm khi dự án căn hộ ở Nhà Bè, TP.HCM không có người mua. Sau động thái sẽ giảm giá bán 50% của ông Đoàn Nguyên Đức, xem ra bà Nguyễn Thị Như Loan đã không còn có thể trông đợi sự giúp đỡ nào từ người đồng hương của mình. Giờ đây, điều có thể được xem là cứu cánh đối với QCGL có lẽ chỉ đến từ chính sách mua lại nhà căn hộ để phục vụ chương trình tái định cư của chính quyền TP.HCM.

Còn với nhiều doanh nghiệp BĐS khác, nếu không thể dựa vào chính quyền địa phương hay Bộ Xây dựng, họ sẽ phải lệ thuộc vào những điều kiện khắt khe của ngân hàng. Nếu trong thời gian còn lại của năm 2012, hành động tiên phong của BIDV vẫn chỉ là hình ảnh cô độc mà không tạo được hiệu ứng khuếch tán đáng kể nào đối với các ngân hàng khác, có thể hiểu là số phận của thị trường BĐS, với trước mắt là phân khúc căn hộ trung cấp và đặc biệt là cao cấp, sẽ được nhanh chóng định đoạt.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF