Thị trường trầm lắng, thông tin dự án giảm giá bán xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo nhưng để mua được một căn hộ thì lại là chuyện không hề đơn giản.
Dù giá bất động sản đang giảm mạnh song cung - cầu vẫn chưa thể gặp nhau.
Thế mới có chuyện, dù chủ đầu tư khuyến mại, chiết khấu, thậm chí giảm 5 - 7 triệu đồng/m2 nhà nhưng vẫn không thu hút được người mua đến với dự án của mình. Nguyên cớ nào dẫn đến tình cảnh trên, trong khi chỉ mới một vài năm trước đây, hàng nghìn người vẫn phải chen lấn, xô đẩy rồi chi hàng chục triệu đồng chỉ để có được một phiếu bốc thăm quyền mua căn hộ.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước 2008, giao dịch trên thị trường bất động sản chủ yếu là đầu cơ, lướt sóng nên vô tình đã “làm hư” các chủ đầu tư. Khi đó, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản không cần quan tâm nhiều đến chất lượng công trình, chi phí...mà điều họ quan tâm nhất là tìm mọi cách để huy động được vốn.
Thế nhưng, hiện nay, khi thị trường lâm cảnh khó khăn, giao dịch ế ẩm thì lạ lùng thay cả khách hàng và chủ đầu tư cùng kêu về giá. Trong khi các chủ đầu tư cho rằng, mức giá mà họ chiết khấu, giảm giá là “không thể thấp hơn được nữa”. Còn với người mua nhà, họ lại tin rằng, đó vẫn chưa phải là mức giá kỳ vọng, thậm chí đó vẫn là mức họ chưa thể với tới. Rốt cục là hàng ế ẩm, dự án đắp chiếu, còn người mua thì vẫn chờ và hy vọng...
Đối với nhà dự án, chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, khảo sát của nhiều doanh nghiệp lẫn tổ chức xã hội cho thấy, phần lớn người dân gặp khó về nhà ở đều mong muốn sở hữu nhà có diện tích dưới 30 m2, vì như thế may ra họ mới có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, luật pháp hiện lại không chia sẻ với thực tế này khi quy định nhà dưới 30 m2 không được phép xây dựng, cấp sổ đỏ...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mới đây trong một cuộc tọa đàm về chủ đề nhà ở đã kết luận: “nhiều người cứ thắc mắc làm sao người nghèo mua được nhà. Tôi khẳng định người nghèo không bao giờ mua được nhà, nếu như giá nhà vẫn như hiện nay, rồi đồng lương vẫn thế”.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, thị trường bất động sản tại Hà Nội cũng như một số địa phương khác trong thời gian qua, số lượng nhà đầu tư, đầu cơ tại các dự án chung cư, biệt thự, nhà liền kề...đã giảm đáng kể vì thanh khoản thị trường quá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, số người dân có tiền tìm mua nhà, đất để ở vẫn không phải là ít.
Phần đông trong số đó vẫn đang cố tìm cho gia đình mình một căn hộ hay mảnh đất có mức giá vừa phải, với điều kiện là có thể chuyển đến ở ngay được mà không phải chờ 1 – 2 năm nữa mới nhận nhà. Song việc tìm kiếm tại các khu vực nội thành Hà Nội vào thời điểm này được căn một hộ vào ở ngay hay đất thô cư có giá “mềm”, khoảng dưới 2 tỷ đồng, cũng không khác gì mò kim đáy bể.
Trong khi đó, đối với phân khúc chung cư cao cấp hay đất nền dự án, giá liên tiếp sụt giảm hàng ngày nhưng vẫn không có nhiều người đoái hoài, dò hỏi.
Một nhà đầu tư cho hay, hiện anh ta đang có các lô đất biệt thự khu A, khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Đầu tháng 12 vừa qua, anh rao bán 51 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không ai hỏi, buộc anh phải chào mức giá mới là 45 triệu/m2.
Hay như chung cư CT6A Xa La (Hà Đông), chỉ trong vòng 1 tuần qua, giá rao bán đã được chủ nhân giảm từ 17,5 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 đầy rẫy trên các trang báo mạng...
Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, dù giá bán đang có xu hướng giảm xuống song giao dịch bất động sản trong nửa cuối năm 2011 trên địa bàn Thủ đô sụt giảm mạnh. Nếu như 6 tháng đầu năm nay, báo cáo từ các sàn giao dịch cho thấy có 2.700 giao dịch nhà, đất thành công. Nhưng trong quý 3/2011 vừa qua, toàn thành phố chỉ có 900 giao dịch, trong đó vẫn chủ yếu tập trung ở phía Tây, Tây Nam – khu vực vốn là “thiên đường” của giới đầu cơ trước đây.
Chia sẻ với VnEconomy, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản khẳng định rằng, không riêng gì doanh nghiệp này mà bất kỳ một chủ đầu tư nào, để có một dự án bất động sản thì họ đã phải chi “hàng núi” tiền cho tất cả các khâu thủ tục, cấp phép, thẩm định, quy hoạch...
“Ngoại trừ phân khúc chung cư vừa xong móng giảm giá bán, còn lại các dự án đã hoặc sắp hoàn hành, các chủ đầu tư hoàn toàn không có ý định giảm giá bán. Giảm giá bán chỉ có thể xảy ra với các dự án đang trong quá trình xây thô và chủ đầu tư hụt vốn mà thôi”, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản bình luận.
Cũng theo vị này, với các dự án đang triển khai có giảm giá vừa qua lẽ ra sẽ được không ít người dân lẫn giới đầu tư chấp nhận, song điểm bất lợi của dự án chính là vì người mua chưa thể sử dụng ngay được nên họ cũng không “cố” để làm gì. Trong khi đó, một số chuyên gia lại nhận định, đó chưa phải là giá đáy nên người mua vẫn cứ lần lữa mãi, họ không việc gì phải vội vì kỳ vọng giá sẽ giảm nữa. Do vậy nên thanh khoản trên thị trường cũng không được cải thiện là bao.
Dưới góc độ kiến trúc quy hoạch, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, thanh khoản trên thị trường kém có một phần do lỗi của chủ đầu tư khi chạy đua làm nhà có diện tích quá lớn, vượt khả năng thanh toán của số đông người dân. Dăm năm trước, nếu họ nhận ra thực tế này thì thị trường đâu đến nỗi ảm đạm, trầm lắng như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: