Top

Giá nhà đất tăng trước tin Nhà Bè lên quận

Cập nhật 26/02/2020 10:10

Thông tin quy hoạch huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo tâm lý đón đầu để hưởng lợi sớm.

Nhà phố tại huyện Nhà Bè là sản phẩm được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: QUANG HUY

Chỉ mới là chủ trương, đề xuất Nhà Bè được quy hoạch từ huyện lên quận nhưng giá nhà đất, căn hộ tại khu Nam TP.HCM đã rục rịch nhích lên.

Giao dịch trầm lắng, giá vẫn sốt sắng tăng

Trong vai khách hàng, chúng tôi được ông Minh, một nhà đầu tư bất động sản (BĐS) tại quận 7 và huyện Nhà Bè, cho biết sau thông tin Nhà Bè được đề xuất lên quận hồi cuối năm 2019, BĐS các loại ở khu vực giáp ranh giữa quận 7 và Nhà Bè đã bắt đầu nóng dần lên.

Cụ thể là giá nhà đất, căn hộ xung quanh tuyến đường Phạm Hữu Lầu, đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài), Huỳnh Tấn Phát… tăng 10%-15% so với thời điểm cuối năm 2019.

Giá nhà phố mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) đã lên tới hơn 80 triệu đồng/m2, nhà trong hẻm thì khoảng 40-45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5-10 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu phía quận 7 còn tăng nhiều hơn, cụ thể là khoảng 20-30 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2019, hiện rao bán ở mức 140-150 triệu đồng/m2.

“Dù giao dịch lúc này có phần trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng một số nhà đầu tư vẫn tích cực đi săn đất để “xí chỗ” nên giá khu vực này vẫn nhích lên không ngừng” - ông Minh chia sẻ.

Chúng tôi tìm hiểu một khu nhà phố liền kề được xây khá khang trang, đang treo bảng quảng cáo dọc hai bên trục đường Đào Tông Nguyên (xã Phú Xuân). Khi thấy chúng tôi hỏi mua, một nhân viên môi giới bước ra chào mời: “Nhà phố khu này ngang 5-6 m, diện tích 80 m2, một trệt hai lầu xây hoàn thiện, nội thất đầy đủ. Giá một căn 6,8-7,2 tỉ đồng, sổ hồng bao sang tên cho khách. Nếu thiện chí mua, chúng tôi giảm giá 100 triệu đồng/căn”.

Nhân viên này thuyết phục khách nên đầu tư ngay từ bây giờ vì khi huyện chính thức lên quận, giá sẽ “phỏng tay”. Theo người này, giá nhà phố tại đây đã tăng khoảng 10% so với cuối năm 2019. Giá đất nền đường hẻm ô tô quanh trục đường Đào Tông Nguyên cũng đã lên mức 56-57 triệu đồng/nền.

Không chỉ đất nền, nhà phố mà những căn nhà đồng sở hữu - loại BĐS có rất nhiều ở huyện Nhà Bè cũng tăng giá. Ông P., một cò đất, dẫn chúng tôi vào xem dãy nhà đồng sở hữu trong con hẻm 2144 Huỳnh Tấn Phát. Ông P. cho biết đây là những căn nhà đồng sở hữu hiếm hoi cuối cùng vì giờ huyện không cấp sổ riêng cho nhà đồng sở hữu nữa. “Khu này có 8-9 căn đồng sở hữu, diện tích 22-25 m2, kết cấu một trệt hai lầu, bốn phòng ngủ, giá chỉ khoảng 1,4-1,5 tỉ đồng/căn thôi” - ông P. nói.

Được biết giá những căn nhà này đã tăng hơn 100 triệu đồng/căn so với thời điểm đầu năm. “Sổ hồng được cấp riêng cho tám người đồng sở hữu, có giấy cam kết không tranh chấp, ủy quyền lẫn nhau khi giao dịch, pháp lý rõ ràng nên cứ an tâm mua” - ông P. cho biết thêm.

Theo đại diện một sàn giao dịch tại huyện này, hiện giao dịch khá chậm nhưng giá nhà đất vẫn liên tục thay đổi. Một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ hiện giá chào bán 65-85 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại trục đường Nguyễn Lương Bằng, các dự án căn hộ đang được rao với giá 45-60 triệu đồng/m2, biệt thự và nhà phố có giá 7-12 tỉ đồng/căn.

Ngoài thông tin đề xuất huyện lên quận thì Nhà Bè còn có sự thay đổi lớn về hạ tầng giao thông. Hơn nữa, khu vực này giáp ranh đô thị mới quận 7, giá nhà đất vẫn còn ở mức thấp nên được kỳ vọng biên độ tăng sẽ nới rộng lâu dài.

Cuối năm 2019, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM, năm huyện gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ đã được đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận. Thành ủy đề nghị lãnh đạo các huyện trao đổi với sở, ngành liên quan để tính toán lộ trình năm năm, 10 năm để chuyển lên quận hoặc quận có nông nghiệp. Hiện xu hướng đầu tư tại khu Nam Sài Gòn không chỉ bó hẹp tại Nhà Bè mà còn giãn ra các vùng giáp ranh. Trong đó, Cần Giuộc được xem là nơi hấp dẫn nhà đầu tư nhất.

Hạ tầng nhiều nơi cần xem xét kỹ

Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, khu vực Nhà Bè là địa bàn hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng, trong đó có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cụ thể là xã Long Thới được kết nối trực tiếp lên cao tốc này thông qua đường dẫn nút giao Nguyễn Văn Tạo. Điều này đã vực dậy toàn bộ khu vực xã Long Thới nhờ kết nối thuận lợi Cần Giuộc, Bến Lức (Long An) với Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM) và Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai).

Cũng là trục đường Nguyễn Văn Tạo, cung đường này đã có quy hoạch lộ giới 60 m, chiều rộng thực tế 16 m. TP đã giao Ban quản lý khu Nam, huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng tuyến đường theo đúng ranh quy hoạch lộ giới và chắc chắn sẽ triển khai sớm.

Ngoài ra, Nhà Bè cũng được quy hoạch trở thành trung tâm cảng biển của TP và cả nước. Nơi đây tập trung bốn cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An. Vì vậy, hạ tầng chính là yếu tố có tác động rất lớn đến thị trường BĐS nơi đây.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng nhà đầu tư cần xem xét kỹ hạ tầng giao thông, pháp lý dự án khi đầu tư để tránh rủi ro.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa, nhận định khu Nam mà cụ thể là Nhà Bè, quận 7 đã có những thay đổi rõ rệt về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, thông tin lên quận chỉ mới là đề xuất nên BĐS tăng giá chỉ mang tính nhất thời, cục bộ do các đơn vị môi giới, cò đất đẩy lên. “Các nhà đầu tư cần khảo sát về giá, hạ tầng, dịch vụ… xung quanh khu vực mình muốn giao dịch. Nhà đất có sổ, pháp lý rõ ràng vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư để tránh rủi ro” - ông Quang phân tích.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO