Nhắc đến thị trường bất động sản gần đây, người ta quen nói đến khó khăn, đến thua lỗ, đến phá sản của doanh nghiệp. Nhưng dường như ít ai nhắc lại rằng đã từng có thời, kinh doanh bất động sản dường như không có lỗ, chỉ lãi và lãi. Tháng này giá đất giá nhà thế này, sang tháng sau đã đẩy lên một mặt bằng giá khác.
Một chuyên gia tài chính quốc tế từng viết trên tờ Financial Time rằng: Dường như ở Việt Nam những người kinh doanh bất động sản và chứng khoán không biết đến 2 từ "đổ vỡ” và "đứt gãy”. Trong khi một kết cục có thể đổ vỡ lại đã được dự báo. Giờ là lúc giá nhà đang "chấp chới”…
Nếu không chấp nhận lỗ, giá BĐS vẫn cứ ở trên trời thì người có nhu cầu thật sẽ không bao giờ tiếp cận được |
Song có lẽ đến giờ này các doanh nghiệp bất động sản đã "ngấm đòn” và "tâm phục khẩu phục” trước nhận định của người đứng đầu Chính phủ trong 2 cuộc làm việc với Thủ đô Hà Nội và TP HCM vừa qua. Đó là, để xảy ra những sự lộn xộn khiến thị trường BĐS lao đao là do lỗi của doanh nghiệp. Và rằng: Doanh nghiệp đã lãi nhiều rồi, bây giờ phải biết chia sẻ với Chính phủ, với xã hội. Thủ tướng đã yêu cầu các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường BĐS cần được đưa vào các nghị quyết của Chính phủ để triển khai ngay từ đầu 2013.
Việc Chính phủ phải liên tiếp có những cuộc làm việc về thị trường bất động sản, thậm chí có những ý kiến đề nghị thành lập "Ủy ban giải cứu thị trường bất động sản” cho thấy sự cần kíp của vấn đề này trong bối cảnh chung của cả nền kinh tế. Nhưng không có nghĩa khi vấn đề được cả Chính phủ, cả xã hội đưa ra mổ xẻ tìm giải pháp thì doanh nghiệp bất động sản chỉ ngồi kêu ca chờ "giải cứu”. Sau một thời kỳ dài trước khi thổi giá bất động sản thành bong bóng, chỉ có lãi và lãi, việc bây giờ phải chấp nhận lỗ, đem lại giá trị thực cho thị trường là tất yếu phải làm.
Nói như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là "NHNN sẽ ưu tiên cho người mua nhà, dành khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng để dân vay, thời gian 5 - 10 năm, với lãi suất như các ngân hàng thương mại cho vay cỡ 7% - 8%”. Tuy nhiên với giá nhà hơn 20 triệu đồng/m2 hiện nay, nếu đưa về thấp hơn thì nhà đầu tư phải chấp nhận lỗ. Nhưng nếu không chấp nhận lỗ, giá BĐS vẫn cứ ở trên trời thì người có nhu cầu thật sẽ không bao giờ tiếp cận được. Điều kiện để người dân mua nhà chính là giá bán, là lãi suất cũng như thời hạn vay vốn hợp lý.
Sự thẳng thắn của Thủ tướng chỉ ra vấn đề cho thấy, sẽ không có giải pháp nào, gói cứu trợ nào có thể khiến bất động sản tan băng nếu các doanh nghiệp bất động sản không hành động để sửa chữa sự khiếm khuyết của thị trường trước đây. Và trong suốt thời gian dài qua, gần như có quá ít doanh nghiệp hành động có trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế mà thực ra là cũng là trách nhiệm với chính họ bằng hành động thiết thực là hạ giá, chấp nhận lỗ để đưa thị trường về đúng giá trị thực.
Kinh nghiệm hạ giá bán mà một số doanh nghiệp áp dụng gần đây có đủ hữu lý để noi gương? Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP. HCM Trần Du Lịch cũng chỉ ra: "Những loại nhà cao hơn 1 tỉ đồng, doanh nghiệp bất động sản chấp nhận lỗ kéo giá xuống thấp hơn để kích đối tượng mua tăng lên. Có dám làm vậy thì mới không bế tắc”.
Doanh nghiệp BĐS đã lãi nhiều rồi, đây là cơ hội để doanh nghiệp chung lưng đấu cật với Nhà nước cùng vực dậy thị trường BĐS. Bởi không gỡ được nợ xấu từ BĐS, cục máu đông này sẽ không thông sẽ làm cho nền kinh tế rất khó khăn trong tương lai gần. Lời kêu gọi các doanh nghiệp xúm vào hy sinh lợi ích trước mắt đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế để được hưởng lợi từ nền kinh tế trong tương lai là điều hiển nhiên, phải làm, nên làm. Bởi nói như Thủ tướng, "doanh nghiệp BĐS đã lãi nhiều rồi”. Ai cũng biết, thời gian qua do sự độc quyền về tiếp cận "tài nguyên”, rõ ràng rất nhiều doanh nghiệp đã được thiên vị, ưu ái, vì lý do nào đó còn độc quyền biết trước cả mấy năm các quy hoạch. Và không thể nào chỉ biết làm giàu, tăng lợi nhuận mà không đóng góp vào sự phát triển bền vững. Trong khi đáng lẽ sự thụ hưởng này cả người dân và doanh nghiệp đều phải có cơ hội như nhau.
Trở lại câu chuyện người dân lại quay lưng với thị trường BĐS, là vì có sự tù mù không minh bạch về giá, sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin…Chính điều này đã làm mất lòng tin của người dân. Vì vậy, muốn tìm giải pháp căn cơ để phá băng BĐS, phải có hành động thật sự. Việc Thủ tướng quyết liệt hứa rằng sẽ có một Nghị quyết chuyên đề để giải cứu BĐS cũng như thành lập một Ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS là những động thái tích cực vực dậy thị trường này.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc các doanh nghiệp phải thấm thía cụm từ "tăng trưởng cho mọi người”. Sự tiến bộ của đất nước, trong đó có sự tăng trưởng của thị trường BĐS hay của nền kinh tế nói chung, phải là sự đóng góp của cả doanh nghiệp, người dân để được hưởng lợi từ đó. Mọi sự "tăng trưởng cho thiểu số độc quyền” đều khiến bất bình đẳng sẽ càng sâu sắc hơn chứ không chỉ ở khoảng cách giàu - nghèo hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: