Top

Giá đất tại Sóc Sơn giảm mạnh

Cập nhật 28/05/2013 10:04

Cùng chịu chung cảnh với các khu vực Mê Linh, Hoài Đức, đất Sóc Sơn đã ảm đạm trong 2 năm qua, nay lại, càng thêm sụt giảm vì thông tin xử lý một loạt sai phạm xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới. Còn người mua, đầu tư đất tại khu vực này đang "mất ăn, mất ngủ" về tính pháp lý của mảnh đất và có nguy cơ bị mất trắng nếu là đất vườn, đất rừng, đất nông nghiệp...

Khách chê đất giá rẻ

Tin đồn di dời các trường đại học, cao đẳng cộng thêm việc triển khai xây dựng dự án sân golf quốc tế và tuyến đường 35 mở rộng đã khiến đất Sóc Sơn tăng giá chóng mặt hồi năm 2011. Có những mảnh đất trước chỉ 2 - 3 triệu đồng/m2, thời điểm đó tăng lên đến 8 - 10 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới 18 - 32 triệu đồng/m2 gần đường lớn.

Hàng ngàn mét vuông đất Sóc Sơn bị bỏ hoang hóa nhiều năm.Ảnh: Hà Nguyên

Lời lãi kiếm được từ việc bán đất lớn và nhanh khiến nhà nhà làm môi giới, người người cắt đất bán. Đất thổ cư, đất vườn, đất nông nghiệp… kể cả đất chỉ có giấy viết tay khi chuyển nhượng, bán giá trên trời vẫn đắt khách. Các nhà đầu tư thứ cấp cũng không bỏ qua cơ hội kiếm lời, chen nhau mua gom đón đầu quy hoạch. Các xã Minh Phú, Minh Trí, Nam Cương, Phù Linh, Thanh Xuân… là khu vực được chú ý nhiều nhất thời "sốt nóng".

Khi tin đồn được gỡ bỏ, kèm với sự khủng hoảng của thị trường bất động sản khiến đất Sóc Sơn sụt giảm nhanh chóng, giao dịch ngưng trệ. Hiện tại khu vực xã Minh Trí, Minh Phú giá chỉ từ 2 - 4 triệu đồng/m2, Hiền Ninh 3 - 5 triệu đồng/m2, Thanh Xuân 4 - 10 triệu đồng/m2, Phù Linh 4 - 6 triệu đồng/m2… tùy vị trí. Các loại đất chưa có sổ đỏ cũng được rao bán nhiều với giá 500.000 - 1.000.000 đồng/m2.

Có nguy cơ mất trắng

Mấy năm trước, anh Lê Quân (quận Cầu Giấy) mua gần 2.500m2 tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Anh đã xây biệt thự, đào ao thả cá, trồng cây để làm nơi về nghỉ cuối tuần. Thời điểm mua, xung quanh đều xây dựng rất nhiều, thậm chí có cả khu resort khang trang nên gia đình anh không mảy may nghĩ đến giấy tờ. Việc mua bán cũng chỉ thực hiện theo hình thức "viết giấy trao tay". Khi nghe thông tin sẽ có đợt thanh tra đất tại huyện Sóc Sơn, anh Quân vội liên hệ với chính quyền địa phương để làm sổ đỏ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Còn các công ty luật, môi giới chuyên làm giấy tờ, sổ đỏ khác, anh Quân cũng đã đến trình bày rất nhiều, đều bị từ chối thẳng vì lý do thời điểm "nhạy cảm", thanh tra gắt gao, rất khó làm.

Theo anh Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty CP BĐS và Xây dựng Thịnh Vượng (Đống Đa): Nhiều người mua đất tại Sóc Sơn đang rất lo lắng vì nguồn gốc, tính pháp lý của mảnh đất, cũng như thủ tục giấy tờ. Bởi thực tế, hầu hết các giao dịch bán đất ở đây là viết tay. Mua xong, giá sụt giảm mạnh nên dân đầu tư chưa vội làm sổ đỏ. Bên cạnh đó, việc mua nhầm đất rừng, đất trồng lúa, đất vườn như gia đình anh Quân có thể là do thiếu hiểu biết hoặc vì ham rẻ. Mặt khác, trong thời kỳ "sốt nóng", ai cũng muốn mua được nhanh, nhiều để kiếm lời nên hình thức giao dịch không có sự đảm bảo pháp lý từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

"Các sai phạm về đất đai ở Sóc Sơn rất nhiều và được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006 nhưng việc khắc phục đến nay vẫn rất ì ạch". - GS TSKH Đặng Hùng Võ


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị