Top

Giá căn hộ: Lò xo

Cập nhật 10/03/2013 09:14

Tại TP.HCM, trong khi nhiều khách hàng vẫn đang giữ tâm lý chờ đợi "đáy của đáy" các sản phẩm căn hộ thì có những chủ đầu tư bắt đầu ung dung chờ giá lên.


Nói riêng về phân khúc thị trường căn hộ, thống kê trên thị trường bất động sản TP.HCM cho thấy, hầu như không có dự án bất động sản nào là không từng giảm giá trong năm qua. Cá biệt, có một số dự án mức giảm khá sâu và giờ đây hiệu ứng "lò xo" tuy chưa đủ để tạo sức bật cho giá, nhưng cũng đủ để có thể đẩy giá nhích dần lên.

Nhà đầu tư cá nhân: Cỡ nào cũng giảm

Nếu như các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư bằng "tiền tươi, thóc thật" ung dung không hề chịu áp lực giảm giá sản phẩm và bán tống bán tháo bằng mọi cách, thì vào thời điểm cuối năm 2012, nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác lại phải chạy đôn chạy đáo đối phó với các hợp đồng tín dụng đến hạn tất toán. Trào lưu giảm giá sản phẩm để xoay vốn diễn ra dưới áp lực này. Bản thân các nhà đầu tư nếu không giảm giá, đẩy sản phẩm bằng mọi cách thì cũng phải chấp nhận để các ngân hàng - chủ nợ - đứng ra thâu tóm sản phẩm để thế chấp và phát mãi. Do đó, thị trường phía Nam được dịp xả hàng từ cả phía nhà đầu tư thứ cấp lẫn các ngân hàng đứng ra phát mãi tài sản. Một số nhà đầu tư cho biết, dự án tại chung cư Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh, được họ ký kết hợp đồng với chủ đầu tư ở mức giá 24 triệu đồng/m2. Do bị áp lực phát mãi, giá sản phẩm rút về chỉ còn 18 triệu đồng/m2. Có nhà đầu tư ôm một lúc 2 căn hộ, đến lúc bán tống cả 2 đã bị lỗ tới 1,2 tỷ đồng. Một số căn hộ tại dự án Thủ Thiêm Xanh thuộc khu dân cư Đông Thủ Thiêm với hạ tầng được đầu tư tốt, giá mua "nước một" chỉ 15-16 triệu đồng/m2 và nhà đầu tư chỉ cần nộp thêm 25% giá trị căn hộ để được bàn giao nhà giai đoạn cuối, nhưng kẹt tiền cũng phải chấp nhận giảm 3 triệu đồng/m2. "Có trên dưới 15 căn hộ đã được đẩy hàng với mức giá giảm "đau thương" như vậy", một chuyên viên tư vấn bất động sản tiết lộ.

Tại dự án Phú Lợi 1 thuộc Quận 8, TP.HCM, một căn hộ với diện tích khoảng 70m2 có giá mua trực tiếp từ Công ty cổ phần Địa ốc Sacomreal trước đây là 950 triệu đồng, nay cũng được nhiều nhà đầu tư chào bán với mức giảm từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Chấp nhận lỗ từ 100-300 triệu đồng/căn hộ cũng là "nước cờ" mà nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã lỡ ôm căn hộ tại dự án The Harmona thuộc địa bàn quận Tân Bình phải chọn để nhằm thoát khỏi các khoản nợ dồn đến sau lưng. Tại dự án này, giá một căn hộ được chủ đầu tư chào bán ban đầu khoảng 1,4-1,5 tỷ đồng, nay chỉ còn 1,2 tỷ đồng, thậm chí người mua còn có thể thương lượng thêm vài điều khoản khác…

Có thể nói, với các nhà đầu tư cá nhân, nếu như tâm lý mua bán của họ ở giai đoạn 2007-đầu 2008 là sẵn sàng mua các căn hộ theo kiểu cỡ nào cũng chơi, giá bao nhiêu cũng ôm thì nay ngược lại, cỡ nào cũng chấp nhận bán để thu tiền về. Yếu tố này đóng góp một lượng cung căn hộ không nhỏ trên thị trường, khiến người mua càng lúc càng muốn được thể hiện cái quyền "thượng đế" của mình và bồi đắp thêm tâm lý chờ đợi giá sẽ tiếp tục giảm. Một chuyên gia dự đoán, vào quý II/2013, giá sản phẩm của các nhà đầu tư thứ cấp sẽ giảm kịch liệt, tiệm cận với khả năng của người mua, qua đó hàng được "tháo" hết, thị trường sẽ giảm bớt áp lực xả hàng. Do vậy, ở các quý sau, thị trường sẽ không còn hy vọng chứng kiến việc giảm giá mạnh từ phía các nhà đầu tư thứ cấp hay phát mãi ngân hàng, nhất là khi ngân hàng cũng không còn chịu áp lực từ việc kiểm soát tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.

Chủ đầu tư dự án: Chờ giá lên

Cũng phải nói rằng, có không ít dự án mà vì yếu tố khách quan chứ không đơn thuần chỉ là do tác động của thị trường hay áp lực tín dụng, nhà đầu tư phải giảm giá bán. Chẳng hạn như tại dự án Belleza thuộc địa bàn Quận 7, đây là dự án có mức giá căn hộ khá cao, khoảng 1,8-2,2 tỷ đồng/căn, với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng ổn. Khi bán hàng, chủ đầu tư cam kết sẽ sớm xây dựng cây cầu bắc qua đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, nhưng cho đến nay cam kết vẫn chưa thành hiện thực. Và dĩ nhiên, để bán được cho những khách hàng chấp nhận đi xa, nhiều nhà đầu tư đã phải giảm giá, ôm lỗ 300 - 400 triệu đồng/căn, thay vì tiếp tục ngồi chờ cây cầu và qua đó chờ được giá lên.

Tại Hoàng Anh Gold House, một dự án thuộc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Gia Lai ở địa bàn huyện Nhà Bè, đã có mức giảm hy hữu đạt xấp xỉ 50%, ban đầu giá chào 22-23 triệu đồng/ m2 nay chỉ còn 14-15 triệu đồng/m2, thậm chí có căn còn được chào giá sang nhượng ở mức 12,2 triệu đồng/m2. Theo nhiều chuyên gia, mức giảm này thực sự ấn tượng do "tụt vèo" xuống hẳn 10 triệu đồng/m2, trong khi các căn hộ đều có thiết kế cao cấp, nội thất đồ gỗ đẹp. Tuy nhiên, các chủ đầu tư của những dự án như Hoàng Anh Gold House thực thi chính sách giảm giá không phải vì chịu áp lực cạnh tranh từ chính các khách hàng đầu tiên. Hầu hết nhà đầu tư thứ cấp tại dự án này đều là cỡ bự, sẵn khách để phân phối, khác với trường hợp chủ đầu tư muốn bán được thêm sản phẩm thì sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với những người góp vốn ban đầu. Hoàng Anh Gia Lai hẳn đã không tránh khỏi áp lực lãi vay đang đè nặng lên vai.

Trên thị trường, ngoài hai xu hướng giảm giá bởi nhà đầu tư thứ cấp hay bởi chủ đầu tư gặp khó khăn, lại có những dự án mà giá gần như không đổi. Ví dụ Thái An 3 của Công ty cổ phần Địa ốc Đất Lành có giá vài trăm triệu đồng/căn, thuộc địa bàn có đông lao động, rất phù hợp với túi tiền người mua và dân cư khu vực nên chủ đầu tư không phải tính giảm giá. Tương tự, căn hộ Khang Gia tại Gò Vấp với mức giá chỉ 550-600 triệu đồng nay cũng đang có dấu hiệu nhích giá từ từ và thanh khoản khá tốt.

Ông Đỗ Thanh Phong, Phó Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản VPGLand nói với Doanh Nhân, nhìn chung, với những dự án mà mức giá đã thấp về hết mức có thể, theo tính toán của chủ đầu tư, phù hợp túi tiền của người mua có thu nhập trung bình (khoảng vài trăm triệu đồng/căn), trong thời gian qua cũng như năm 2013 đều không ngại bị tồn kho. Về cơ bản, giá sản phẩm các căn hộ dạng này chỉ đứng tại chỗ hoặc sẽ nhích dần lên. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn rất tự tin "rung đùi chờ giá lên" sau khi các nhà đầu tư thứ cấp đã bán hết, vì nếu "đo đếm" các dự án có vị trí, diện tích, giá thành tương tự như vậy, nay cũng đã không còn nhiều.
Sàn giao dịch VPGLand và một số sàn giao dịch địa ốc tại TP.HCM khác cho biết, nhiều khách hàng hiện cũng đang có tâm lý "ngó nghiêng" nhà ở xã hội nhờ các chính sách vừa được tung ra. Nói cách khác, song song với việc chờ "đáy của đáy" nhà ở thương mại, đang diễn ra việc người mua "đứng núi này trông núi nọ". "Tuy nhiên, đây không phải là nguyên do có thể đẩy giá nhà ở thương mại tiếp tục giảm sâu trong năm tới. Bởi làm thế nào để có một suất nhà ở xã hội, nhưng lại có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng, vị trí, được đưa ra nhiều đòi hỏi như đối với nhà ở thương mại, đó vẫn là một câu hỏi mà người mua nhà cần thời gian rất dài mới có được câu trả lời", ông Đỗ Thanh Phong nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân