Bộ xây dựng mới đây đã công bố số liệu về hàng tồn kho bất động sản trong 4 tháng đầu năm 2017. Theo đó, hàng tồn kho tính đến hết ngày 20/4/2017 còn khoảng 28.369 tỷ đồng. Con số này giảm so với thời điểm tháng 12/2016 là 2.654 tỷ đồng, nhưng tốc độ đã chậm lại khá nhiều so với mức giảm hơn 9.300 tỷ đồng của 4 tháng đầu năm 2016 và hơn 7.000 tỷ đồng của 4 tháng đầu năm 2015.
Lý giải về điều này, Bộ Xây dựng cho biết, hàng tồn kho giảm chậm do phần còn lại rơi vào các dự án đất nền xa trung tâm, thiếu hạ tầng, nên không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ càng hơn, có thể không hoàn toàn là vậy!
Chỉ cần điểm qua chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower, Binh Đoàn 12, PVV Vinapharm, Usilk City… tại Hà Nội, hay Saigon One Tower, PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên, Kenton Node, Lacasa, DB Tower, V-Ikon… tại TP.HCM cũng có thể thấy không ít hàng "ứ đọng" ở trung tâm thành phố.
Đây đều là những siêu dự án với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ, từng được chủ đầu tư quảng cáo rầm rộ sẽ mang tới những "ngôi nhà ước mơ, cuộc sống đẳng cấp". Tuy nhiên, hiện đang trở thành vũng bùn, kéo theo hàng ngàn ngàn khách hàng trót sa chân lỡ bước chìm theo. Không những thế, những dự án dang dở này đang để lại những "nét vẽ" nham nhở trong bức tranh quy hoạch chung của các đô thị.
Nhức nhối là vậy, nhưng để tìm cách giải quyết các dự án này thực tế lại không hề dễ!
Từ sản phẩm dự án bị lỗi thiết kế, chọn sai phân khúc, giờ không thể thay đổi được, đến những rắc rối về pháp lý khi dự án huy động vốn trái phép, thế chấp tài sản đảm bảo không đúng quy trình…, rồi chủ đầu tư bị rơi vào vòng lao lý, dẫn đến việc tham gia "tái cấu trúc" và hồi sinh dự án của nhiều "mạnh thường quân" rơi vào vướng mắc và khó khăn.
Đặc biệt, bài toán khó nhất và quan trọng hơn cả được các "mạnh thường quân" chia sẻ là bài toán dung hòa lợi ích với những khách hàng cũ đã từng đóng tiền vào dự án.
Sự lỏng lẻo của khung pháp lý trước đây để lại hậu quả là rất nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh tài sản tích cóp cả đời có nguy cơ mất trắng, nợ nần chồng chất, gia đình lục đục…, qua đó mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Điều này khiến họ thường khá căng thẳng khi đàm phán lại hợp đồng với các chủ đầu tư mới. Trong khi đó, xét về tổng thể, khi đã quyết định tham gia giải cứu dự án, các chủ đầu tư mới đều phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ để đưa ra những phương án khắc phục có hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận - mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào. Và dĩ nhiên, những phương án mới chắc chắn không thể mang lại quyền lợi như cũ cho các khách hàng.
Vì vậy, để dự án có thể sống lại, các bên cần làm việc chân thành, cởi mở và quan trọng nhất là cần chấp nhận "chịu thiệt" một chút, thì mọi việc mới mong xuôi chèo, mát mái.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: