Top

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM:

“Gánh nặng” không được gỡ thì người dân phải gánh chịu”

Cập nhật 03/07/2014 13:47

Khi phát triển nhà ở xã hội cho thuê tức là Bộ Xây dựng, đã thay mặt Nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình về giải quyết quyền có chỗ ở của công dân – cần lưu ý, chỗ ở của công dân khác với chuyện sở hữu nhà ở.

* Bộ Xây dựng vừa đưa ra tờ trình Chính phủ đề xuất 9 giải pháp “cứu” thị trường BĐS. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng hiện tại đối với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Nhà nước chỉ nên tập trung cho hai chương trình phát triển nhà ở. Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Thứ hai, phát triển nhà ở bán trả góp dài hạn – luật gọi là nhà thuê mua.

* Ông cho biết tại sao nhà ở xã hội cho thuê, và nhà trả góp dài hạn mới là phù hợp?

Quyền có chỗ ở của công dân được quy định trong Hiến pháp. Khi phát triển nhà ở xã hội cho thuê tức là Bộ Xây dựng, đã thay mặt Nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình về giải quyết quyền có chỗ ở của công dân – cần lưu ý, chỗ ở của công dân khác với chuyện sở hữu nhà ở.

Đối với loại hình nhà bán trả góp dài hạn – luật gọi là nhà thuê mua, tôi đề nghị thời gian thanh lý hợp đồng tối thiểu là 20 năm đến 25 năm. Bởi lẽ, một thế hệ thường được xác định là 25 năm, một thế kỷ có 4 thế hệ. Việc thuê mua nhà trả góp trong thời hạn 25 năm là phù hợp với vòng đời của con người. Việc này đã và đang áp dụng rộng rãi trên thế giới, kể cả đối với những quốc gia có trình độ phát triển cao.

Nếu như nhà ở xã hội cho thuê, dành cho những người nghèo. Thì nhà ở xã hội thuê mua (nhà trả góp dài hạn) là dành cho những người có một phần điều kiện tài chính, có thể tiếp cận sở hữu nhà ở. Điều này phù hợp với chính sách định cư toàn cầu của Liên hợp quốc. Cả hai chính sách này, phải là hai chính sách cốt lõi của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cần bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp ở các đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM

* Ông cho biết để thị trường BĐS phát triển bền vững, ổn định thì những giải pháp nào mới là thiết thực?

Để thị trường BĐS phát triển ổn định bền vững, cần cơ cấu được nguồn tài chính tín dụng (trung hạn, dài hạn) cho thị trường này. Cơ cấu giá thành BĐS Việt Nam hiện vẫn còn những điểm bất hợp lý dẫn đến giá BĐS tại Việt Nam cũng bất hợp lý, nên phải xem xét lại. Trong đó phải kể đến các yếu tố: chi phí đền bù GPMB; tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước; chi phí xây dựng; chi phí lãi vay cao; chi phí cho TTHC kéo dài; thuế và phí… Nếu không được “tháo gỡ” kịp thời thì các “gánh nặng” như hiện tại, DN BĐS phải đẩy cho người dân hứng chịu.

* Trân trọng cảm ơn ông về những ý kiến chia sẻ!
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Xã hội