Top

Đường sắt nội đô - Diện mạo mới cho Thủ đô nghìn năm tuổi

Cập nhật 27/01/2012 10:55

Chỉ nay mai, khi các tuyến đường sắt đô thị hình thành, Thủ đô Hà Nội sẽ mang một diện mạo mới, hiện đại và an toàn.

Năm 2011 đánh dấu nhiều sự kiện đường sắt nội đô, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tại phường Phú Lương, quận Hà Đông do Cục ĐSVN làm chủ đầu tư. Đây là tuyến đường sắt trên cao có vai trò đặc biệt quan trọng, sẽ là tuyến nối trung tâm thành phố với quận Hà Đông, trục huyết mạch phía Tây có mật độ lưu lượng tham gia giao thông thuộc loại lớn nhất Hà Nội.


Khi dự án hoàn thành, tình trạng ùn tắc tại phía Tây Thủ đô sẽ được cải thiện đáng kể. Dù được khởi công sau tuyến đường sắt thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội, nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được triển khai hết sức tích cực và có khả năng về đích sớm.

Từ tháng 4/2011, những hạng mục đầu tiên của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tại hồ Đống Đa đã được thi công để đồng bộ với hạng mục kè hồ, cải tạo thoát nước của thành phố. Công tác GPMB, di chuyển công trình hạ tầng trên tuyến đã cơ bản hoàn tất, tạo thuận lợi cho việc triển khai xây dựng depot và đồng loạt toàn tuyến. Dự kiến đến tháng 6/2014 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.

Và từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015, tạo bước ngoặt lịch sử trong vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô. Theo đúng tiến độ, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội được đưa vào khai thác, bởi dự kiến đến năm 2016 tuyến Nhổn - Ga Hà Nội mới hoàn thành, còn những tuyến khác hiện đang trong quá trình nghiên cứu, lập dự án.

Ông Nguyễn Hữu Thắng – Cục trưởng Cục ĐSVN cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã và đang được các đơn vị thi công triển khai trên nhiều mũi. Đến nay, 22,6ha/23ha diện tích giải phóng mặt bằng khu depot đã được thu hồi (đạt 98%); gần 500.000m3 đào đắp tại khu depot cũng đã được hoàn thành.

Các đơn vị thi công đã đổ xong 125 móng cọc và 19 bộ trụ hoàn chỉnh. Ngay đầu năm 2012, các đơn vị đã sẵn sàng thi công đồng loạt trên tuyến để đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra. Cục cũng đã chỉ đạo phối hợp với tổng thầu EPC chuẩn bị cho công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ cho dự án.

Theo thiết kế, toàn tuyến dài gần 13km, có 454 trụ cầu, 12 ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, bến xe Hà Đông mới. Khổ đường 1.435mm, bảo đảm cho tàu chạy với vận tốc 80km/h. Tàu chạy từ 5h đến 23h hàng ngày với tần suất vào giờ cao điểm là 3 phút/chuyến, có khả năng vận chuyển cao nhất 28.500 hành khách/h.

Điểm đầu từ khu vực nút giao Cát Linh, Giảng Võ. Đó là khu vực trung chuyển hành khách đô thị tương lai của Hà Nội, kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và tuyến buýt nhanh BRT. Từ đây, tuyến đường sắt đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối của tuyến là Bến xe Hà Đông mới cạnh QL6.

Trên công trường những ngày cuối năm, không khí làm việc vẫn khẩn trương, bận rộn. Những trụ cầu uy nghi hiện hữu, dáng một công trình kiến trúc hiện đại đang hình thành, tô điểm thêm cho nét đẹp của Thủ đô nghìn năm tuổi. Hiện tại, Cục Đường sắt Việt Nam đang chuẩn bị lập dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc – Ba Vì. Như vậy đây sẽ là dự án đường sắt đô thị thứ 3 của Hà Nội sẽ được thực hiện trong một tương lai không xa, góp phần tạo cho Thủ đô một diện mạo hiện đại, giảm ùn tắc giao thông.

DiaOcOnline.vn - Theo Giao thông Vận tải