Top

Đường cùng, dự án bất động sản tìm chủ mới

Cập nhật 06/05/2016 14:47

Thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều vụ chuyển nhượng đình đám khi chủ cũ không “nuốt” nổi những dự án quy mô vượt xa thực lực của mình.    


Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát) vừa công bố việc mua lại 4,7 ha đất (tương đương 35% quỹ đất ở) của Dự án Khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). Bên bán là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt (Công ty Trung Việt).

Với thương vụ này, Công ty Hải Phát chi ra khoảng 700 tỷ đồng để Công ty Trung Việt đóng tiền sử dụng đất. Riêng phần diện tích Công ty Hải Phát mua lại đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô đất. Trước đó, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Phú Lương được biết đến là một trong những chủ đầu tư có số tiền sử dụng đất phải “giãn tiến độ” nộp vào ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Hải Phát cũng chính là công ty mua lại một phần tòa nhà CT - 104, Dự án Usilk City (quận Hà Đông, Hà Nội) hồi tháng 3/2016 của Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà Thăng Long. Trong thương vụ này, Công ty Hải Phát nhận trách nhiệm với toàn bộ số hợp đồng mà Sông Đà Thăng Long ký với khách hàng từ những năm 2008 - 2009.

Việc đàm phán quyền lợi - trách nhiệm giữa chủ đầu tư mới của tòa nhà CT - 104 với khách hàng cũ của Sông Đà Thăng Long đã đặt ra nhiều thách thức với Hải Phát. Một số khách hàng lên tiếng phản ứng việc Hải Phát yêu cầu ký thêm những điều khoản phụ lục hợp đồng, song thực tế, người mua nhà của Sông Đà Thăng Long không có nhiều lựa chọn, khi Dự án đã nằm bất động gần 8 năm.

Trong vai người đi “nhặt xác” gần 1 năm qua, Hải Phát cũng đã thâu tóm thành công Dự án Khu nhà ở N023B Long Biên và gần 7.200 m2 đất đấu giá tại Vạn Phúc (Hà Đông).

Không ồn ào như Hải Phát, thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh mua lại Dự án Khu đô thị Thanh Hà từ Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) chỉ được tiết lộ sau khi Mường Thanh sở hữu 95% cổ phần của Cienco5 Land. Thương vụ này có thể xem như “món hời” cho doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của ông Lê Thanh Thản, khi Mường Thanh chi ra 1.500 tỷ đồng để sở hữu 2 khu A và B của Khu đô thị Thanh Hà rộng gần 400 ha (bao gồm khoản mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và các khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho công ty này).

Với 2 sản phẩm bất động sản chiến lược là nhà thương mại giá rẻ và hệ thống khách sạn hạng trung mang thương hiệu Mường Thanh, trong khoảng 10 năm qua, doanh nghiệp này thực sự trở thành một thế lực lớn trong giới kinh doanh bất động sản.

Những tháng đầu năm 2016, phải bán dự án trong thế “đường cùng” không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam, mà có cả doanh nghiệp nước ngoài có tên tuổi như Tập đoàn Keangnam Enterprises của Hàn Quốc, khi phải bán tòa tháp Keangnam Landmark 72 cao nhất Việt Nam với giá 437,2 triệu USD cho 2 đối thủ là Tập đoàn AON BGN và Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng của Hàn Quốc…

Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 1 tỷ USD được các nhà đầu tư bất động sản chi ra cho hoạt động mua bán dự án (M&A) bất động sản trong những tháng đầu năm 2016. Trong số đó, có những thương vụ được truyền thông nhắc đến hoặc là buộc phải công bố thông tin cho các cổ đông, hoặc là những thương vụ được cả bên bán và bên mua tiết lộ thông tin để quảng bá cho kế hoạch kinh doanh mới, song cũng có không ít thương vụ mua bán được cả 2 bên thống nhất giữ kín.

Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam, thị trường M&A dự án bất động sản những tháng đầu năm 2016 đã chứng kiến một sự khởi đầu mạnh mẽ với với số lượng thương vụ giao dịch tăng đột biến.

“Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian còn lại của năm 2016 với lượng giao dịch nhiều hơn nữa nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và tình hình phát triển bất động sản đang trên đà giảm tại một số nước trong khu vực”, ông Stephen Wyatt dự báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư