Top

Dự báo vốn FDI vẫn đổ mạnh vào BĐS: Gam màu tươi sáng năm 2017!

Cập nhật 03/02/2017 10:09

Năm 2016, thị trường BĐS có những tín hiệu tích cực, sang năm 2017, FDI vào BĐS đang có xu hướng gia tăng, với sự tham gia của những tập đoàn địa ốc hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác.


Theo nhiều chuyên gia, nhà phân tích, điều này sẽ làm cho hoạt động của thị trường trở nên chất lượng và hiệu quả hơn, tạo ra gam màu tươi sáng cho bức tranh tổng thể BĐS năm 2017.

Vốn FDI đổ vào BĐS đã thực chất hơn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), năm 2016 với 66 dự án gần 1 tỉ USD vốn đăng ký, BĐS đứng thứ hai hút vốn FDI sau lĩnh vực chế tạo. Trong các quốc gia đổ vốn vào BĐS, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang dẫn đầu trong đó, Hàn Quốc là số 1 với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,62 tỉ USD, chiếm 31,9%. Nhật Bản ở vị trí thứ 2 với 1,92 tỉ USD, chiếm 10,9%  và Singapore ở vị trí số 3 với 1,73 tỉ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư.

Mặc dù số vốn FDI đổ vào BĐS với hơn 1 tỉ USD thấp hơn năm 2015, nhưng các dự án BĐS đều có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn. Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI nói chung và FDI vào BĐS, bởi vì từ 2007 đến 2010, tuy có nhiều sự án BĐS hàng tỉ USD, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện khá thấp, chỉ khoảng 25%. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), thu hút FDI của Việt Nam tiếp tục khả quan nhờ hưởng lợi khi có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.

Ngay từ đầu năm 2016, thị trường BĐS cũng đón nhận tin vui khi các nhà đầu tư, Cty quản lý địa ốc chuyên nghiệp từ Nhật Bản sau nhiều năm nghiên cứu đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Ông Hidekazu Nagashima, Chủ tịch The Global Group cho biết, tập đoàn này bắt đầu quan tâm BĐS Việt Nam từ những năm 2008 – 2009, bởi đây là thị trường mới phát triển, có nhiều tiềm năng và sự tương đồng với Nhật Bản ở nhiều thập niên trước. Khoảng 3 năm gần đây, tập đoàn này tiếp tục tìm hiểu sâu về thị trường TP.HCM. Nếu như trước đây, Nhật Bản đầu tư vào BĐS chủ yếu dưới dạng đầu tư tài chính thì hiện nay, một số tập đoàn BĐS hàng đầu của nước này đầu tư trực tiếp vào các dự án. Điều này sẽ có tác động nâng cao chất lượng của thị trường Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.

Khoảng chục năm trở lại đây, hàng chục khách sạn cao cấp, văn phòng cho thuê hiện đại, khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở đã được xây dựng. Hai khu đô thị khang trang được quy hoạch và xây dựng đồng bộ theo hướng đô thị sinh thái là Ciputra (Hà Nội) và Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Nam.

Tin hiệu tích cực năm 2017

Theo GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài- vốn  FDI đổ vào BĐS cao là bởi hai nguyên nhân. Một là, dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm tới (theo nhận định của Ngân hàng HSBC thì tốc độ gia tăng tầng lớp này sẽ nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu vào năm 2012 tăng lên 33 triệu người vào năm 2020). Hai là, việc Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, nhất là phân khúc cao cấp, vì khi họ đầu tư thì được hưởng tỷ suất sinh lợi 7 - 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1-2%. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn vốn FDI vào địa ốc Việt Nam, đặc biệt là những dự án có vị trí, thiết kế đẹp, pháp lý minh bạch, môi trường sống tốt. Đáng chú ý, DN FDI khá nhanh nhạy với thị trường BĐS khi các DN này không chỉ tham gia và phân khúc cao cấp, hạng sang như trước kia mà còn tham gia đẩy mạnh hợp tác các dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội nhắm đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.

Từ những phân tích trên, GS Nguyễn Mại tự tin nhận định, thị trường BĐS đang có những tín hiệu tích cực, FDI vào BĐS đang có xu hướng gia tăng, với sự tham gia của những tập đoàn địa ốc hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác sẽ làm cho hoạt động của thị trường trở nên chất lượng và hiệu quả hơn. “Thời điểm này, cần đón bắt cơ hội mới để BĐS trở thành đầu tàu mạnh mẽ kéo theo nhiều toa tàu thuộc những lĩnh vực kinh tế khác nhau, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm và trung hạn đến 2020”, GS Mại nói.

Cùng nhìn nhận lạc quan về vốn FDI sẽ tác động tích cực với thị trường BĐS, bà Nguyễn Hoài An- GĐ Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản của CBRE Việt Nam- nhìn nhận với các yếu tố vĩ mô tích cực như tốc độ tăng GDP khả quan, tỷ giá hối đoái ổn định và nguồn FDI dồi dào vào Việt Nam, đặc biệt vào thị trường bất động sản từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, triển vọng thị trường căn hộ được dự đoán vẫn sẽ khả quan trong năm 2017.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động