Top

Dự án 'ma', sốt đất ảo náo loạn thị trường

Cập nhật 18/02/2020 09:25

Mới đầu năm, thị trường bất động sản đã náo loạn vì những thông tin dự án ma, cơn sốt đất ảo.

Giới đầu cơ, cò đất “bắt tay” nhau thổi giá, tạo sốt đất ảo ở H.Châu Đức - Ảnh: Đình Sơn

Cò, đầu nậu thổi giá đất

Gần đây, tại các xã Bình Ba, Nghĩa Thành và Đá Bạc (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) náo loạn khi hàng ngàn người kéo xuống đây mua bán đất suốt ngày đêm. Lý do là một tập đoàn lớn đang chuẩn bị đầu tư dự án ở đây nên nhiều người muốn mua đất đón đầu.

Cũng vì thế, giá đất bị đẩy lên gấp đôi chỉ sau mấy ngày. Cụ thể như đất mặt tiền QL56 ở xã Bình Ba, trước khi cơn sốt ập đến, giá đất chỉ 300 triệu đồng/m ngang (chạy dài vào trong khoảng 60 m), nhưng được “thổi” lên khoảng 500 triệu đồng/m ngang; các đường nhánh khoảng 150 triệu đồng/m ngang, trong khi trước sốt giá chỉ từ 70 - 90 triệu đồng.

Do số lượng người, phương tiện giao thông đổ về đây quá lớn, khiến Công an H.Châu Đức phải đưa lực lượng cảnh sát giao thông xuống đường, liên tục nhắc nhở các chủ phương tiện đậu xe đúng vị trí quy định. Tuy nhiên, tìm hiểu sau đó thì đa số những người này đều là đầu nậu, cò... dùng chiêu thổi giá để lướt sóng.

Ngay sau khi dư luận “vạch trần” chiêu làm giá thì tình trạng sốt nóng ở xã Bình Ba trở nên “nguội lạnh”. Nhưng giới đầu cơ, cò đất lại di chuyển sang hai xã giáp ranh là xã Nghĩa Thành và Đá Bạc (H.Châu Đức) tiếp tục thổi giá đất. Cũng như với Bình Ba, việc giá đất tăng nóng chủ yếu do cò đất, giới đầu cơ thao túng làm giá, tự làm giấy mua bán đặt cọc với nhau.

Một cò đất, kiêm nhà đầu cơ tên Thanh giới thiệu với chúng tôi rằng chị từng làm nhân viên của một số công ty bất động sản ở TP.HCM chuyên bán đất Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai. Nên khi có thông tin một tập đoàn lớn đang có ý định đầu tư dự án tại đây, Thanh đã bắt tay cùng một số “đồng nghiệp” và nhà đầu tư tự đặt cọc đất, sau đó tung tin thổi giá để sang tay kiếm lời.

“Nhóm em có khoảng 10 người và mấy hôm nay ăn ngủ ở khu vực này. Khi thấy nhà nào bán đất, chúng em đặt cọc sau đó kiếm người bán sang tay, kiếm lời. Em nghĩ sốt đất sẽ còn nữa vì hiện nay chúng em đang tiếp tục tung tin đồn về đại dự án sắp triển khai. Nếu anh có tiền hùn với tụi em, chúng ta chỉ cần đặt cọc rồi bán chứ không ôm hàng. Trong cốp xe máy của tụi em lúc nào cũng để sẵn tiền, có người bán là đặt cọc mua ngay, sau đó làm giá bán kiếm chênh lệch rồi rút”, Thanh cho hay khi biết chúng tôi có ý định hợp tác để đầu cơ đất.

Cảnh báo về cơn sốt đất ở Châu Đức, ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng UBND H.Châu Đức, cho biết đến nay các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện chưa ghi nhận con số giao dịch chính thống nào được thực hiện. Nghĩa là toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ chưa chính thức. Từ đó, ông Luận khuyến cáo các nhà đầu tư cũng nên bình tĩnh xem xét việc mua bán, tránh bị cuốn vào cơn sốt đất ảo, vì thủ tục pháp lý dự án lớn, lý do dẫn đến cơn sốt đất Bình Ba những ngày qua chưa phải là thủ tục đầu tư.

Người dân cẩn tỉnh táo

Không chỉ thổi giá, tình trạng bán đất “ma” vẫn tiếp tục tái diễn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận dù thời gian qua công an các địa phương đã vào cuộc, mạnh tay xử lý các vụ lừa đảo liên quan đến bán đất “ma”.

Như trường hợp Công ty cổ phần King Home Land thời gian qua bị nhiều khách hàng tố cáo lừa đảo khi bán đất nền “ma” tại các dự án King Home 2 (Q.12), King Home 4 (Q.9, đều ở TP.HCM), King City Long Thành (Long Thành, Đồng Nai)... Những khách hàng mua đất của công ty này đã đâm đơn tố cáo lừa đảo lên Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) - nơi công ty này đặt trụ sở - và Công an TP.HCM. Những dự án “ma” của Công ty cổ phần King Home Land đã bị cơ quan chức năng của Q.9, Q.12 phát đi các thông báo cảnh báo đến người dân tránh mua đất của công ty này để không bị lừa. Theo thông tin từ UBND Q.9, dự án King Home 4 trên thực tế là thửa đất 527, tờ bản đồ số 21 ở P.Long Trường.

Tuy nhiên, khu đất này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt dự án, hoặc phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện việc tách thửa và nghĩa vụ thuế nhưng công ty đã tự ý vẽ dự án bán và thu tiền hàng loạt khách hàng. Hiện nay, UBND Q.9 đã cắm bảng cảnh báo dự án “ma” tại khu vực này. UBND Q.12 cũng đã tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế công trình xây dựng không phép có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép tại khu đất ở KP.5, P.Thạnh Xuân (Q.12), nơi được rao bán nền đất thuộc dự án King Home 2 bởi khu đất này chưa thực hiện các thủ tục phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện việc tách thửa và nghĩa vụ thuế.

Trước thực trạng trên, UBND P.Thạnh Xuân đã cảnh báo người dân không nên mua nền đất tại dự án trên để không trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an Q.Gò Vấp cũng đã làm việc với Giám đốc Công ty cổ phần King Home Land để xác minh nội dung tố cáo của khách hàng về tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay các thông tin đăng tải trên mạng không phải là thông tin chính thức từ chủ đầu tư. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất đai, có nguy cơ cao bị thiệt hại kinh tế bản thân và gia đình. UBND huyện đã giao công an huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng tập trung đông người, phương tiện giao thông gây mất trật tự an toàn giao thông trên QL56, đoạn qua địa bàn huyện.

Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND H.Châu Đức

Tình trạng lừa đảo bán đất “ma” đã được cảnh báo, thậm chí công an các địa phương đã khởi tố hình sự hàng loạt vụ án nhưng người dân vẫn tiếp tục bỏ tiền mua. Nguyên nhân một phần do người dân, nhà đầu tư thiếu hiểu biết và một phần vì ham lợi nhuận, bởi đa số các dự án “ma” đều bán đất với giá rẻ hơn giá thị trường.

Luật sư Hoàng Thu, Công ty luật Hoàng Thu
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên