Top

Dự án dang dở, hạ tầng giao không ai nhận

Cập nhật 15/08/2007 10:00

Tại phiên họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm qua, nhiều đại biểu đã tiếp tục mổ xẻ các vấn đề như nguồn vốn đầu tư dàn trải khiến nhiều công trình “giẫm chân tại chỗ”, những dự án không phát huy hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân...

Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn (giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) tỏ ra bức xúc về sự cân đối nguồn vốn đầu tư cho các dự án. “Vấn đề đầu tư vốn dàn trải, tôi cho rằng không phải không giải quyết được. Như có đường Tự Đức - Thủy Dương, đầu tư chỉ 1 tỉ đồng mà nhu cầu vốn đến 37 tỉ đồng, kiểu này thì có đến 37 năm nữa mới xong! Chúng ta có thể điều chuyển vốn từ dự án, công trình này sang công trình khác để giải quyết...” - ông Toàn nói.

Vị lãnh đạo công an tỉnh này tỏ ra mệt mỏi với các dự án “xí phần”: “Một số dự án tại Chân Mây - Lăng Cô triển khai chậm. UBND tỉnh nói đến cuối năm 2006 sẽ thu hồi, nhưng bây giờ đã gần hết năm 2007 vẫn chưa thấy làm. Nói nhưng không làm. Kỳ họp trước cũng nêu, bây giờ cũng nêu và cuối năm lại... nêu!”.

Xin nhiều cũng “ừ”, rút bớt cũng “ừ”

Tiếp lời ông Toàn, đại biểu Phạm Quốc Dũng (bí thư Huyện ủy Hương Thủy) bức xúc: “Dường như nhà đầu tư đòi hỏi bao nhiêu (đất) tỉnh cũng đều đáp ứng ngay, trong khi đó ưu đãi miễn tiền thuê đất thì họ kéo dài cũng chẳng sao. Chẳng hạn Công ty cổ phần Thiên An xin 450ha tỉnh cũng “ừ”, rồi xin rút 150ha cũng được, rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa dự án ban đầu với cam kết đầu tư”.

Trong khi đó, trong phần giải trình ý kiến của cử tri kiến nghị tỉnh cân nhắc tính khả thi và năng lực của các chủ đầu tư về dự án sân golf, biệt thự nhà vườn sinh thái tại khu vực Thiên An và các vùng phụ cận... do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa cho biết Công ty cổ phần Thiên An đã “thực hiện đúng trình tự” các dự án này.

Theo đó, dự án được UBND tỉnh phê duyệt khu vực nghiên cứu qui hoạch hơn 493ha và công ty cũng đã phê duyệt diện tích này với các hạng mục có tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng. “Hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thành thiết kế chi tiết đường golf, chuẩn bị thủ tục công bố qui hoạch, chuẩn bị thiết kế cơ sở các hạng mục giao thông, hồ đập, điện nước...” - ông Hòa nói.

Tại phiên chất vấn chiều qua, một đại biểu nêu rằng toàn tỉnh có 21 dự án đã phê duyệt, phải hoàn thành vào năm 2005, 2006 nhưng hiện còn dở dang. Theo đó, hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho hàng chục dự án này chưa phát huy hiệu quả. Giải trình vấn đề này, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Tôn Thất Bá nêu tên đầy đủ 21 dự án với đa phần chậm, dở dang là do công trình thiếu vốn, nhiều dự án đã đội vốn bạc tỉ, ảnh hưởng về công tác giải phóng mặt bằng...

Đây chính là vấn đề mà tại phiên chất vấn, UBND tỉnh vẫn “hứa” là sẽ khắc phục trong thời gian tới.

Không dám bàn giao

Đại biểu Đào Chuẩn nêu một vấn đề lớn những tưởng đã “ngủ yên” từ nhiều năm nay. Đó là việc bàn giao các công trình hạ tầng điện, nước, thoát nước, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh... tại các khu đô thị mới, khu dân cư cho các đơn vị chuyên ngành quản lý sử dụng theo kiến nghị của thường trực HĐND tỉnh từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến dân sinh.

Giải trình vấn đề trên, giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Tiến cho biết từ những năm 1990 UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị liên quan làm chủ đầu tư một số khu tái định cư, khu dân cư mới. Tuy nhiên, cho đến nay, việc bàn giao các công trình hạ tầng đa số chỉ được thực hiện cho các hạng mục cấp điện, cấp nước, công viên, cây xanh... Riêng “hạng mục thoát nước và điện chiếu sáng mới bàn giao một phần, các hạng mục đường giao thông gần như hoàn toàn chưa được bàn giao”.

Trước sự lý giải này, đại biểu Đào Chuẩn không hài lòng về việc xác định trách nhiệm cũng như giải pháp xử lý. “Trách nhiệm vấn đề này là các ban quản lý dự án và cả chủ đầu tư” - ông Tiến nói. Cũng theo ông Tiến, nguyên nhân của tình trạng những công trình giao thông, điện đường đến nay vẫn “nửa vời” là do ngân sách hạn chế.

Một số hạng mục như đường, hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước... các chủ đầu tư, đơn vị thi công không có vốn bảo dưỡng, duy tu nên đến khi quyết toán, phần lớn công trình đã xuống cấp. “Khi đặt vấn đề bàn giao quản lý sử dụng, đối với bên tiếp nhận tâm lý chung do không được tham gia quản lý ngay từ đầu và chất lượng công trình đã xuống cấp, sau khi tiếp nhận có thể chịu trách nhiệm trước dư luận về chất lượng công trình nên bên nhận... không dám nhận!”.

Với khu dân cư Kiểm Huệ 1 và 2 - nơi lâu nay ngươi dân “kêu trời”, ông Tiến cho hay đã được đầu tư hoàn chỉnh từ năm năm trước, hệ thống giao thông và thoát nước đến nay gần như hư hỏng nhưng vẫn chưa có đơn vị tiếp nhận để quản lý, sửa chữa.


Theo Đình Toàn - Tuổi Trẻ