Đánh giá việc nới lỏng điều kiện cho người dân vay mua nhà là một trong những chính sách tác động mạnh đến thị trường bất động sản, tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, gói vốn 30.000 tỷ đồng đã nới hơn nhưng cần phải được mở rộng cho các dự án thương mại vừa và nhỏ đang xây dựng dở dang thì mới thực sự giúp giải quyết rốt ráo hàng tồn kho.
Trước đây, gói 30.000 tỷ “ế ẩm” do điều kiện vay quá khắt khe, chủ yếu tập trung cho phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, quy định người chưa có nhà ở phải được chính quyền địa phương xác nhận khiến rất nhiều người bó tay bởi trên thực tế, không địa phương nào dám xác nhận là đối tượng đã có nhà hay chưa bởi địa phương chỉ quản lý về hộ khẩu, còn việc có nhà ở nơi khác hay không thì địa phương không thể biết. Thêm vào đó, gói hỗ trợ chỉ áp dụng đối với căn hộ có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Tại thời điểm cách đây hơn 1 năm, trao đổi với ĐTCK, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị Chính phủ chỉ cần điều kiện xác nhận của cơ quan nơi làm việc là đủ, vì cơ quan là nơi gắn với cơm áo gạo tiền của người mua nhà”.
Đến nay, quy định “chỉ cần xác nhận của cơ quan” cùng với quy định căn hộ có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, bất kể diện tích bao nhiêu và loại nhà gì đều có thể vay từ gói hỗ trợ tạo nên “làn sóng” tìm nhà phù hợp để mua của những người có nhu cầu. Không chỉ có vậy, Bộ Xây dựng vừa có Thông tư 17/2014 (bổ sung và sửa đổi Thông tư 07, 18/2013) có hiệu lực từ ngày 25/11/2014 mở rộng đối tượng được vay không chỉ để mua căn hộ mà còn cho vay để xây dựng nhà nếu người dân đã có đất.
Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP. HCM cho biết: “Tại Vietcombank, khách hàng có thể vay tới 80% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ, nếu chứng minh được thu nhập trả nợ mà không cần phải thế chấp thêm tài sản bảo đảm. Trường hợp khách hàng không mua tại dự án do Vietcombank bảo lãnh thì Ngân hàng sẽ ký thoả thuận 3 bên với chủ đầu tư dự án đó, nếu chủ đầu tư đồng ý, khách hàng vẫn được vay tại Vietcombank”.
Vấn đề chứng minh thu nhập qua tài khoản từng là “rào cản” khiến nhiều khách hàng chán nản khi làm hồ sơ vay tiền, nay điều kiện cũng được nới rộng khi: “Đối với thu nhập qua tài khoản thì chứng minh bằng sao kê qua tài khoản trả lương, còn thu nhập bằng tiền mặt thì chỉ cần có bảng kê trả lương có xác nhận của cơ quan công tác”, ông Hào cho biết. Quy định này mở ra cơ hội chứng minh thu nhập cao hơn cho các đối tượng công chức, viên chức, bởi trên thực tế đa phần đều có thu nhập thêm ngoài lương hợp pháp.
Về việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, trên địa bàn Thành phố đến ngày 15/11/2014 đã có 1.658 hợp đồng được ký kết với tổng hạn mức tín dụng đã ký kết là 1.392 tỷ đồng. Trong đó, có 1.521 khách hàng (2 DN và 1.519 cá nhân) đã được giải ngân với tổng số tiền 823 tỷ đồng. Hiện BIDV là ngân hàng có tỷ lệ cho vay gói 30.000 tỷ đồng cao nhất trên địa bàn TP. HCM.
“Có 2 DN đang vay vốn từ chương trình này tại TP. HCM với tổng dư nợ 375 tỷ đồng. Trong đó, cho vay dự án xây dựng nhà xã hội cho CTCP Hoàng Quân là 342 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Thủ Thiêm (dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội) là 32,85 tỷ đồng”, ông Lệnh cho biết.
Về lý thuyết, càng có nhiều DN được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ thì vừa giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, vừa nhanh chóng giải tỏa hàng tồn kho. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay có một điểm nghẽn là Nghị quyết 02/NQ-CP và các văn bản có liên quan không cho phép các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ đang xây dựng dở dang được vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
“Tôi đã nhiều lần đề nghị cho phép các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ đang xây dựng dở dang được vay từ gói tín dụng ưu đãi này để vừa giải quyết được hàng tốn kho, vừa góp phần xử lý nợ xấu và vừa có nhiều sản phẩm phù hợp túi tiền của người thu nhập thấp đô thị”, ông Châu nói và cho rằng, chính điều này là nguyên nhân lớn khiến gói tín dụng ưu đãi giải ngân chậm. Bởi trên thực tế hiện nay, số lượng dự án triển khai dở dang bị ngưng trệ là cực lớn, kể cả những dự án đã triển khai tới 70%, nhưng chủ đầu tư đành bó tay vì thiếu vốn hoàn thiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: