Top

Dự án bất động sản: Cứ phải mác ngoại mới là hội nhập?

Cập nhật 21/11/2009 10:34

 Dự án Saigon Pearl (TP.Hồ Chí Minh).

Hiện nay trên địa bàn cả nước có không ít dự án bất động sản được chủ đầu tư đặt cho những cái tên hoàn toàn là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italia, Tây Ban Nha... với hàm ý gửi gắm vào đó tất cả "cái hồn" của dự án, đồng thời để phù hợp với xu hướng hội nhập.

Nhưng liệu hội nhập cứ nhất thiết phải là mác ngoại (?!).

Nhiều ý nghĩa!

Có đến 90% các dự án nhà ở từ nhỏ đến lớn trên địa bàn TPHCM đều mang những cái tên nước ngoài nghe hết sức “kêu”. Có thể tạm chia thành 3 nhóm tên gọi: Ở nhóm thứ nhất gắn tên chủ đầu tư với tên dự án có thể thấy hàng loạt dự án như Cantavil Hoàn Cầu (ghép tên chủ đầu tư Cty Hoàn Cầu, riêng chữ Cantavil “nghe đâu” là tiếng Italia có nghĩa là ngôi nhà tràn ngập ánh nắng); Cantavil Thủ Đức (dự án liên doanh của Cty phát triển nhà Thủ Đức)...

Nhóm thứ hai gắn tên dự án với địa danh như Saigon Pearl (Viên ngọc Sài Gòn). Nhóm thứ ba tên hoàn toàn là tên tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italia, Tây Ban Nha chiếm đại đa số như Richland Emerald, Everich...

Nếu đi từ trung tâm thành phố ra xa lộ Hà Nội theo trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, dường như có cảm giác đi ra nước ngoài nếu chỉ nghe giới thiệu tên của các dự án nhà ở hai bên đường và đừng để ý đến chuyện ngập nước bên dưới.

Trên địa bàn quận Bình Thạnh, án ngữ ngay lối vào khu trung tâm là 3 dự án với 3 cái tên nước ngoài nghe rất kêu: Saigon Pearl, The Manor, Cantavil Hoàn Cầu. Qua cầu Sài Gòn đến quận 2 là hàng loạt cái tên nước ngoài rặt, nối tiếp nhau Cantavil, Estella, Blooming Park. Đi ngược qua hướng Nam Sài Gòn là những cái tên như Sunrise City (Thành phố mặt trời mọc)...

Ăn theo xu hướng nhà ở thân thiện môi trường để tăng giá trị của dự án, hàng loạt dự án gắn những cái mác rất kêu như riverside (ven sông, bên sông – tạm dịch), nhưng thực chất nhiều khi đó chỉ là một con rạch nước, thậm chí là một con lạch thoát nước thải đen ngòm. Hoặc như parkview, gardenview gợi lên một không gian thoáng đãng, xanh mát.

Riêng tại khu đô thị An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đã có tới 4-5 dự án tổ hợp toà nhà thương mại, khách sạn cao cấp được gắn tên nước ngoài như Usilk City, The Pride... Một chủ đầu tư cho biết, ban đầu cũng có ý tưởng đặt tên cho tổ hợp toà nhà có tính chất “thuần Việt”, nhưng do bên cạnh, các toà nhà khác đều mang tên nước ngoài nên phải chuyển sang tiếng Anh cho đỡ “lạc lõng” (?!)...

Sính ngoại?

Tham khảo tại một số trung tâm môi giới BĐS trên đường Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), được biết hiện nay do tâm lý “sính ngoại” của không ít người tiêu dùng nên chủ đầu tư đặt tên của dự án theo hướng “tây hoá” - mặc dù rất khó nhớ. Còn nhiều người dân mua nhà nghĩ rằng tên dự án chính là một phần thương hiệu, thể hiện được đẳng cấp...

Ông Kiều Văn Minh - Phó GĐ Cty cổ phần đầu tư Hải Phát - cho biết: “Chỉ một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có nhu cầu mua căn hộ là quan tâm tới tên của dự án, còn lại phần lớn người dân quan tâm đến thương hiệu, năng lực của chủ đầu tư; tiến độ thực hiện, vị trí địa lý của dự án...

Cty chúng tôi cũng đang đầu tư vào tổ hợp toà nhà “The Pride” (tạm dịch là “Niềm kiêu hãnh”) là công trình bao gồm 4 tòa tháp cao 35 và 45 tầng trong đó có trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác như khu vực thể thao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bể bơi...”.

Hỏi chuyện một số chủ đầu tư vì sao không đặt tên Việt cho dễ nghe, dễ đọc, đặc biệt là đối với người lớn tuổi, hầu hết các chủ đầu tư đều cho rằng tên tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia thường gãy gọn, nhưng mang đầy đủ hàm ý của chủ đầu tư muốn gửi gắm vào dự án, đồng thời để phù hợp với xu hướng hội nhập.

Một phần khác, hầu hết đối với các dự án lớn, ngay từ các khâu chuẩn bị như tư vấn, thiết kế đều do các Cty nước ngoài đảm nhiệm, nên việc họ chọn tên nước ngoài là việc hoàn toàn tự nhiên. Chính những người thiết kế là người am hiểu hơn hết nét riêng, nét độc đáo của dự án và họ chọn một cái tên phù hợp để nói lên được “cái thần” của dự án và cũng chính họ đề xuất và nó dễ dàng được chủ đầu tư chấp nhận.

Vấn đề đặt ra là, trên đất nước Việt Nam, nhà ở chủ yếu phục vụ cho người Việt Nam, nhưng sao toàn mang tiếng nước ngoài, phải chăng là việc sính ngoại, hay để dễ bán được giá cao?

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động