Top

Dồn sức cho nhà ở xã hội

Cập nhật 21/10/2012 08:25

Phát triển nhà ở vẫn là trách nhiệm của Nhà nước, thị trường chỉ là phương tiện để phát triển. Trong giai đoạn 2012- 2015, TPHCM ưu tiên tạo lập chỗ ở cho công nhân, sinh viên, người nghèo đô thị

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong lễ ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 giữa Bộ Xây dựng và TPHCM, tổ chức ngày 20-10.

50% nhà ở chưa bảo đảm

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay giai đoạn 1999 - 2009, lượng nhà ở mới của nước ta đã bằng tổng số lượng nhà ở từ năm 1999 về trước. Tuy nhiên, bên cạnh thành công về phát triển số lượng, vấn đề phân phối và chất lượng nhà ở cho người dân lại chưa đạt. Có người sở hữu quá nhiều nhà tiện nghi nhưng vẫn còn số đông sở hữu ít diện tích nhà ở, điều kiện sống khó khăn, chật chội…


Khu nhà ở xã hội tại quận 12 - TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là chiến lược nhà ở đầu tiên của nước ta, trong đó xác định rõ phát triển nhà ở không phải là trách nhiệm của thị trường bất động sản theo kiểu “có tiền mới có nhà”, thị trường chỉ là phương tiện. “Phát triển và chăm lo nhà ở cho toàn dân là trách nhiệm của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân và Nhà nước đóng vai trò chủ đạo” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, TP có trên 2 triệu căn hộ dành cho 6,5 triệu người nhưng đến 50% trong số đó chưa bảo đảm về điều kiện sống; tốc độ đô thị hóa của TP là 75% nhưng quy hoạch xây dựng chỉ phát triển trong phần diện tích hẹp hơn 100 km2. Do đó, chiến lược phát triển nhà ở không chỉ đơn thuần phát triển trong lĩnh vực xây dựng mà chính là bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội vì “có an cư mới lạc nghiệp”.

Người nghèo vẫn có chỗ ở tốt

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết chiến lược nhà ở dành nhiều quan tâm, phát triển nhà ở xã hội với các nhóm ưu tiên: người có công, người nghèo nông thôn, người nghèo đô thị (tập trung tại Hà Nội và TPHCM), người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa…

Hiện nay, bên cạnh loại hình nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư 100% (nhà ở cho học sinh - sinh viên, nhà cho CB-CNV thuê), Nhà nước cũng kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp và người dân với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng, không thu tiền sử dụng đất…

Riêng TPHCM, trong giai đoạn 2012- 2015 ưu tiên tạo lập chỗ ở cho công nhân, sinh viên, người nghèo đô thị; phấn đấu đạt khoảng 2,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó, chỗ ở cho học sinh - sinh viên là 0,6 triệu m2 sàn (đáp ứng 100.000 người), nhà cho công nhân là 0,8 triệu m2 sàn (đáp ứng 93.000 chỗ ở). Ngoài ra, phát triển nhà ở để bán, cho thuê, thuê mua đối với người thu nhập thấp đô thị là 1,3 triệu m2, tương đương 17.500 căn hộ. Đồng thời, phấn đấu di dời, tháo dỡ và xây dựng thay thế 25 chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nặng với tổng diện tích 350.000 m2 sàn (khoảng 6.500 căn hộ).

Để thực hiện chiến lược này, Bộ Xây dựng và TPHCM sẽ phối hợp 7 nội dung hành động. Cụ thể, TP sẽ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, rà soát, bố trí, chuyển mục đích các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ để phát triển nhà ở xã hội và công bố công khai danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư; tiếp tục rà soát quỹ đất hơn 20% đối với các dự án thương mại trên địa bàn để giao cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Hôm nay, 21-10, TPHCM tổ chức khánh thành 5 block nhà ở cho sinh viên tại quận Thủ Đức, thuộc chương trình 40.000 chỗ ở cho sinh viên. Trước đó, TPHCM cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng 17 block nhà, giải quyết chỗ ở cho hơn 30.000 sinh viên

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành

Bộ Xây dựng cho biết trong chương trình phối hợp với TPHCM, bộ sẽ chỉ đạo các tổng công ty Nhà nước trực thuộc tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên và các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Bên cạnh đó, hoàn thiện mô hình của quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở, góp phần tăng nguồn cung về tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP. Ngoài ra, cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng để giảm giá thành căn hộ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

TP và Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp nghiên cứu các chỉ tiêu phát triển nhà ở, như: diện tích sàn bình quân đầu người, diện tích nhà tối thiểu cho một người, chất lượng nhà ở… Khung diện tích nhà ở được khuyến khích hiện nay là 25-70 m2/căn hộ.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động