Top

Đổi 16 lô đất làm cầu: Để TP.HCM không bị tiếng oan

Cập nhật 10/10/2017 14:14

Để tránh "tiếng oan" chủ đầu tư và nhà thầu thông đồng, bắt tay nhau, TP.HCM nên tổ chức đấu thầu và đấu giá công khai.

Đừng để mang tiếng oan

Tiếp tục bày tỏ những lo ngại về nguy cơ thất thoát, tham nhũng trong cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" nhưng được khoác áo BT, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng cho rằng TP.HCM phải thận trọng, tỉnh táo.


Vị trí cầu Thủ Thiêm 4

Lời nhắc được đưa ra trước đề xuất của UBND TP.HCM muốn được xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, với tổng mức đầu tư dự án xây dựng khoảng 5.253 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT), theo đó, địa phương này cũng đề xuất xin được sử dụng 16 lô đất vàng để thanh toán cho nhà đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, về bản chất hình thức đầu tư BT không xấu, nó giúp TP.HCM giải quyết được bài toán về vốn cũng như kìm chế được gia tăng nợ công. Ông cho biết, đối với nhiều nước trên thế giới họ không chối bỏ hình thức đầu tư này và vẫn thừa nhận đây chính là một cách gọi khác của cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng".

Tuy nhiên, cách thức họ thực hiện rất rõ ràng, minh bạch, khách quan theo nguyên tắc, đấu giá và đầu thầu công khai. Ở đây, chủ đầu tư đã lồng ghép hai công trình vào một dự án, hay còn gọi là "dự án phụ đi kèm theo dự án chính".

Như vậy, nếu TP.HCM muốn sử dụng 16 lô đất vàng làm quỹ đất thanh toán chi phí cho chủ đầu tư thì cần tách bạch riêng biệt hai dự án, trong đó dự án chính là dự án cầu Thủ Thiêm 4 và dự án phụ chính là dự án quy đổi đất.

Trước khi tổ chức đấu thầu và đấu giá, TP.HCM phải thẩm định kỹ lưỡng giá trị công trình và đánh giá cụ thể giá trị 16 lô đất đó. Tiếp theo, khi tổ chức đấu thầu công khai dự án mới, TP.HCM cũng sẽ tổ chức đấu giá các khu đất trên.

Các nhà thầu sẽ cùng tham gia đấu giá cạnh tranh dựa trên mức giá cơ sở được xây dựng theo quy định của nhà nước. Nhà thầu nào trả giá cao hơn sẽ được sử dụng diện tích đất đó.

"Tôi lưu ý, giá trị 16 lô đất vàng phải được xây dựng dựa trên quy hoạch được xác định trước. Ví dụ, mảnh đất đó sử dụng vào mục đích gì thì được định giá theo mục đích đó.

Các nhà thầu sẽ phải cạnh tranh cả về chất lượng công trình mới và phải cạnh tranh cả giá trị dự án phụ để đổi lấy đất. Nếu thực hiện theo trình tự như vậy, sẽ giúp TP.HCM tránh rơi vào cảnh "tù mù", định giá sai, định giá không đúng gây thất thoát lớn", PGS.TS Nguyễn Đình Thám khẳng định.

Vị chuyên gia cho rằng, phải đưa ra lời cảnh báo như vậy, vì thời gian qua ở Việt Nam cũng là đầu tư BT nhưng cơ chế này lại đang vấp phải những phản ứng rất gay gắt của dư luận cũng như giới chuyên gia.

Từ một cơ chế đầu tư văn minh, đầu tư theo hình thức BT đã bị biến tướng, tạo ra những kẽ hở cho những kẻ cơ hội trục lợi, gây thất thoát, lãng phí lớn trong đầu tư công.  Theo vị PGS, khi nhìn vào bản chất dư luận dễ dàng nhận ra ngay đây thực chất là một dạng biến thể có xu hướng tiêu cực của cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng". .

Trước đề xuất của TP.HCM xin được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư, gồm 4 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, ông Thám nói thẳng, để tránh "tiếng oan" chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay, móc ngoặc với nhau, tốt nhất TP.HCM nên tổ chức đấu thầu và đấu giá công khai.

Bởi lẽ, kết quả thanh tra thực tế tại hàng loạt những công trình BT của nhiều địa phương đã cho thấy điều này. Những sai phạm cơ bản như không thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế chỉ định, thẩm định dự án chưa chính xác dẫn tới chậm tiến độ, gây đội vốn...

"Rõ ràng, nếu cứ thực hiện theo cơ chế cứ làm dự án mới lại được nhận một mớ đất như hiện nay thì không khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi. Vừa múa lại vừa hát"", PGS Nguyễn Đình Thám cảnh báo

Vị chuyên gia nói rõ, chuyện bắt tay trục lợi là chuyện đã có và đã xảy ra tại nhiều dự án khác nhau.

"Có rất nhiều đại gia đã giàu lên bất thường chỉ sau một đêm. Cũng có nhiều đại gia đang đứng bên bờ vực phá sản nhưng cũng tự nhiên được cứu chỉ sau một dự án. Tất cả là do cách làm thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch thời gian qua", vị chuyên gia cảnh báo.

Giải pháp chặn tham nhũng

Bàn về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cũng nói rõ quan điểm là không đổi đất và phải tách bạch việc sử dụng, đấu giá đất với việc đấu thầu dự án xây dựng ĐSĐT thành hai dự án riêng biệt. Vị PGS cảnh báo, đó là cách tốt nhất để ngăn chặn thất thoát.

Theo vị PGS cho rằng, việc tách bạch hai vấn đề đấu giá sử dụng đất và đầu tư xây dựng ĐSĐT thành hai dự án riêng biệt vừa giúp ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lại vừa giúp khai thác hiệu quả sử dụng quỹ đất cũng như đảm bảo được chất lượng dự án.

Cũng cho rằng TP.HCM nên tổ chức đấu thầu rộng rãi để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

"Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo được chất lượng của dự án", ông Hùng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt