Canh bạc bất động sản là một bài học lớn cho nhiều doanh nhân Việt. Họ đã trả học phí quá đắt khi đang “ăn nên làm ra” từ ngành khác lại ôm phải trái đắng bởi bất động sản đóng băng. Thậm chí, có những đại gia lâm cảnh tù tội vì không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Hệ lụy từ bất động sản
Mấy năm trước, khi nền kinh tế còn sôi động, giữa lúc thị trường bất động sản (BĐS) hưng thịnh nhất, hàng loạt doanh nghiệp về lĩnh vực này đã được lập bởi những cá nhân có tiềm lực kinh tế. Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh ngoài ngành như bánh kẹo, phân bón, taxi… cũng đổ xô vào đầu tư BĐS. Chỉ trong một thời gian ngắn, lợi nhuận mà BĐS mang lại như một quả bóng đã đẩy những “đại gia” BĐS mới nổi dồn hết tâm sức vào canh bạc này.
Và hệ quả đã quá rõ. Khi thị trường BĐS đóng băng, nền kinh tế gặp khó, dòng vốn vay của những “đại gia” bị tắc, bị “ngâm” trong các công trình, dự án họ “chết” là điều hiển nhiên. Bởi chỉ riêng chuyện lãi trả ngân hàng cũng đủ “chết” chứ đừng nói tới các khoản chi phí duy trì hoạt động hàng ngày.
Bong bóng BĐS vỡ, chịu ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các nhà đầu tư không chuyên. Bởi những “đại gia” này chưa có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng ở lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình. Thậm chí, lĩnh vực kinh doanh chính của những DN này cũng đang đứng trước những mối đe dọa to lớn. Hàng loạt doanh nghiệp đã tìm đủ đường để thoái lui khỏi lĩnh vực đầu tư trái ngành này.
Tuy nhiên, sự thoái lui cũng không hề dễ dàng. Nhất là đối với những doanh nghiệp đầu tư trái ngành khi đã lún vào quá sâu, không kiểm soát nổi tình thế. Để sống sót, nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận chia sẻ quyền kiểm soát công ty với đối tác như cho họ nắm phần lớn cổ phần hoặc có ghế trong HĐQT. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải bán bớt công ty con hoặc chuyển giao ngành nghề mình đang kinh doanh cho các đối tác với hy vọng giải quyết những khốn đốn trước mắt. Song, quá trình mua bán và chuyển nhượng này cũng không hề dễ dàng, bởi không phải doanh nghiệp nào sau khi chuyển nhượng cũng đủ tiền để trả lãi ngân hàng.
Những sai lầm đáng tiếc
Tập đoàn Mai Linh nổi tiếng trong kinh doanh vận tải taxi, đứng đầu cả nước với số lượng taxi lên đến hàng nghìn đầu xe. Cũng chỉ vì đầu tư vào BĐS, tập đoàn này rơi vào cảnh nợ nần, mất thanh khoản. Sau khi cắt giảm, thu hẹp nguồn nhân lực và các văn phòng đại diện, số tiền có được cũng không đủ để trả nợ. Thê thảm tới mức, DN nổi tiếng này đã phải bán hơn 1.000 đầu xe để thu hồi 200-300 tỷ đồng trả nợ cho các nhà đầu tư mà vẫn không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn nên phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty... Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi thị trường BĐS đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều.
Cuối cùng, Mai Linh đã phải ngậm ngùi nhường ngôi vương trong kinh doanh taxi vận tải cho Vinasun. Sai lầm chính của Mai Linh là “lấn” sang mảng đất đai, chứ nếu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh riêng, DN không “sa lầy” như thế này.
Không chỉ Mai Linh mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự. Thậm chí, có những công ty đang ăn nên làm ra, nhưng vì BĐS mà đánh mất thương hiệu của mình. Điển hình, Công ty TNHH Thương mại Chế biến thực phẩm Tân Tân hay Công ty TNHH Thép Techmart. Đến nay, hai thương hiệu đậu phộng Tân Tân và đã Thép Techmart vắng bóng trên thị trường. Thậm chí, vì không có tiền trả nợ, Chủ tịch tập đoàn Vina Megastar Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt tạm giam về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" của SeaBank với số tiền gần 30 tỷ đồng đang gây cú sốc lớn trên thị trường BĐS phía Bắc.
Không chỉ có các DN tư nhân, mà ngay cả những DN nhà nước như Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng không cưỡng lại được sức hấp dẫn của thị trường BĐS. Bởi “ôm mộng” lĩnh vực này có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn việc kinh doanh vào các dự án trong ngành nên PVC cũng cùng chung số phận với các đại gia trên.
Đây là bài học lớn cho các doanh nghiệp muốn làm giàu nhanh nhưng lại không nghiên cứu kỹ thị trường. Dù đã rút ra được bài học, nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá quá đắt mà đến nay, dù bán hết cả cổ phần cũng chưa đủ khả thanh khoản, ngấp nghé bờ vực phá sản.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo doanh nhân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: