Top

Doanh nghiệp thất bại khi tự thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng

Cập nhật 25/06/2012 10:25

Sáng 22/6, Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có buổi làm việc về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai.

Các số liệu thống kê cho thấy, nhiều chính sách khó triển khai trong thực tế như cơ chế thu hồi đất, cơ chế tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư và người dân.

Thống kê sơ bộ từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2011, trong 33 trường hợp thực hiện theo hình thức tự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân, chỉ có 9 nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công (chủ yếu là các dự án nhỏ lẻ, quy mô nhỏ), còn lại đều vướng mắc và đang xin điều chỉnh sang hướng Nhà nước thu hồi đất.

Những vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận chủ yếu là người dân có nhà, đất trong diện giải tỏa luôn đòi mức bồi thường và các chính sách khác cao hơn rất nhiều so với quy định. Để có mặt bằng thực hiện dự án, một số nhà đầu tư một mặt công khai mức bồi thường tương đương quy định của Nhà nước, mặt khác chấp nhận thỏa thuận ngầm hỗ trợ thêm cho người dân, nhất là đối với các trường hợp chây ỳ, từ đó đã phát sinh mâu thuẫn về lợi ích của người dân trong cùng dự án, dẫn đến việc người dân phong toả diện tích đất thực hiện dự án, cản trở thi công, gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trước tình hình đó, Thành phố kiến nghị Chính phủ nên thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, không phân biệt dự án do Nhà nước thu hồi đất hay dự án do doanh nghiệp thỏa thuận; từng bước Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án sẽ thuê đất trực tiếp với Nhà nước, không trực tiếp thoả thuận bồi thường với người sử dụng đất.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán