Top

Doanh nghiệp địa ốc dè dặt với kế hoạch kinh doanh

Cập nhật 04/05/2012 08:10


Một khu căn hộ chung cư tại phường An Phú, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Với kết quả kinh doanh sút giảm mạnh và viễn cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, nhiều công ty địa ốc đang khá dè dặt với mục tiêu kinh doanh trong năm nay khi đang tìm cách co cụm lại để tồn tại thay vì phát triển như trước đây.

Nhìn vào báo cáo thường niên của các doanh nghiệp địa ốc có thể thấy hầu hết không đạt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm vừa qua, và kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm nay đều giảm, kể cả việc giảm bớt số lượng các dự án để chờ thời điểm tốt hơn.

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) vừa trình bày với cổ đông định hướng mục tiêu thực hiện kế hoạch trong năm 2012, theo đó sẽ thiên về việc củng cố và xem nhẹ mục tiêu phát triển trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Sacomreal ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh trong năm vừa qua, với lợi nhuận trước thuế khoảng 103 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 34,5% kế hoạch. Trong số các nguyên nhân tác động có lý do chính sách siết chặt tín dụng dẫn đến nguồn vốn để phát triển dự án bị hạn chế, khiến công ty này chủ trương kéo giãn tiến độ và dừng triển khai một số dự án. Điều đó đã ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng.

Lợi nhuận của Sacomreal tiếp tục giảm trong ba tháng đầu năm nay khi chỉ đạt khoảng 4 tỉ đồng, giảm 23% so với quí 1 năm ngoái với lời giải thích là do tình hình thị trường bất động sản chưa có chuyển biến tích cực khiến hoạt động kinh doanh tiếp tục giảm.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng chẳng khá hơn khi doanh thu chỉ đạt phân nửa chỉ tiêu và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 34 tỉ đồng, giảm hơn phân nửa so với năm 2010 và chỉ bằng 42% kế hoạch lợi nhận năm 2011.

Giải thích về sự sụt giảm kinh doanh, công ty này cho rằng sự suy giảm của thị trường địa ốc trong năm qua bị tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng. Thiếu vốn, nhiều dự án bị chậm tiến độ, người mua cũng gặp khó khăn, và buộc các chủ đầu tư phải giảm giá bán, đưa ra các chính sách mua nhà trả chậm để kích thích thị trường. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện được bao nhiêu.

Tương tự, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2012 xoay quanh các dự án hiện nay, trong đó có dự án căn hộ 6B trên đường Nguyễn Tri Phương, Bình Chánh, TPHCM.

Dự án gồm hai khối chung cư cao 30 tầng đã xây dựng phần thô và hoàn thiện đến tầng thứ sáu; tuy nhiên công ty này cho biết đang phải ngừng thi công vì người mua không nộp tiền theo tiến độ của dự án, một phần khác là do ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản. Hiện công ty này đang trình UBND TPHCM kế hoạch hạ giá bán căn hộ để bán cho thành phố làm quỹ nhà tái định cư.

Ngoài ra, công ty này cũng đang thương thảo bán lại 50% diện tích dự án cao ốc Sài Gòn Plaza trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM theo hình thức góp vốn nhằm giảm bớt áp lực vốn vay khi xây dựng tòa nhà này.

Tình hình kinh doanh sụt giảm khiến nhiều công ty không chia cổ tức theo kế hoạch, trong số đó thì các công ty như Vạn Phát Hưng, Hoàng Quân và Đất Xanh quyết định không chia cổ tức với lý do để tập trung vốn cho kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG