Top

Doanh nghiệp bất động sản lo 'chết dần' trên đống tài sản

Cập nhật 10/08/2021 11:45

Hàng không bán được, dự án đình trệ, huy động tiền từ cổ đông khó khăn, nợ chồng chất, thủ tục hành chính phức tạp do dịch kéo dài đang khiến doanh nghiệp bất động sản đối mặt nỗi lo chết mòn trên đống tài sản.

Dịch bệnh kéo dài, cộng với thủ tục hành chính nhiêu khê, lãi suất cao đang khiến doanh nghiệp bất động sản lao đao - ĐÌNH SƠN

Gánh nặng lãi vay

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có tiếng tại TP.HCM kể, dự án của DN ở TP.Thủ Đức đã 2 năm vẫn chưa xong khâu duyệt quy hoạch 1/500 dù UBND TP.HCM đã có các văn bản cho điều chỉnh cục bộ. Khó khăn về thủ tục dẫn đến khó khăn về tài chính. Không có nguồn thu nên DN phải đi vay để duy trì hoạt động, từ đó lãi vay đè nặng DN. “Không có dự án nào đủ điều kiện để bán hàng. Trước còn “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhưng nay không dám vì làm là bị tuýt còi. Nếu cứ như vậy, DN sẽ phá sản mất thôi vì đã một năm rưỡi nay không có thêm dự án nào xong để mở bán. Sở dĩ chúng tôi cầm cự được vì còn thu một ít từ các dự án trước mới có nguồn trả lương nhân viên, trả lãi vay. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng hạn chế. Nên đến kỳ đáo hạn ngân hàng (NH) phải đi xoay khắp nơi, thậm chí vay nóng để trả nợ gốc”, vị này than thở.

Lãnh đạo một tập đoàn BĐS cũng chia sẻ, hiện nay tập đoàn ông có gần 2.000 nhân viên, mỗi tháng lo tiền trả lương cho nhân viên đã đuối. Trong khi đó, hầu hết các dự án ở các địa phương gần như “đóng băng”, không triển khai cũng không bán được hàng. Những khách hàng đã mua nhà, đất trước đây hiện nay đến kỳ cũng không tiếp tục thanh toán. Họ làm đơn xin gia hạn, thậm chí nhiều khách hàng xin hủy hợp đồng, lấy lại tiền. “Chúng tôi đang phải ăn dần vào tiền tích cóp, đang cắn vào đuôi mình để sống. Nhà đất không bán được nhưng các chi phí vẫn phải chi, đặc biệt là gánh nặng về lãi vay NH”, vị này lo lắng.

Theo hầu hết các ông chủ DN BĐS, ngành này đang hứng chịu nhiều tác động từ lãi suất cao, thuế cao, chính sách đất đai vẫn còn chồng chéo, đặc biệt là thủ tục ở các địa phương đang rất chậm. Nên “dù rất tâm huyết với nghề nhưng đang phải “chết” dần trên đống tài sản”, chủ một DN BĐS tại TP.HCM thở dài kết luận.

Mong được “cứu” bằng chính sách

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea), cho rằng để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các DN BĐS không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. Nhất là ách tắc đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp hoặc có quyền SDĐ phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Ách tắc này gây thiệt hại rất lớn cho các DN BĐS, người tiêu dùng và cả nhà nước, mà nguyên nhân là luật Nhà ở 2014 và Nghị định 30/2021 chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 2 trường hợp: Nhà đầu tư có đất ở (100% đất ở) hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở.

“Bộ Xây dựng cần trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý ách tắc này để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền SDĐ nông nghiệp hoặc có quyền SDĐ phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng”, ông Châu đề xuất và nói thêm rằng hiện nay thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian của DN và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất vất vả, thậm chí dễ bị rủi ro trong thi hành công vụ. Do vậy, Bộ Xây dựng cần chủ động phối hợp với các bộ để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền SDĐ nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

Thông qua HoRea, các DN BĐS đề nghị NH Nhà nước và các NH thương mại xem xét hỗ trợ DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà được giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay. Các NH thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Quan trọng hơn cả là, đề nghị các NH thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.

“Đề nghị các NH thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các NH thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội”, ông Châu kiến nghị và đề xuất Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền SDĐ như giãn tiến độ nộp tiền SDĐ dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021 nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần kéo giảm giá nhà, do Nghị định 52/2021 chưa quy định chính sách này đối với DN BĐS.

"Đề nghị cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN. Chính sách đánh thuế đối với người cho thuê nhà cũng cần được xem xét lại theo hướng tăng mức áp dụng lên 200 triệu đồng/năm, thay vì chỉ 100 triệu đồng/năm như hiện nay."

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM


DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên