Top

Doanh nghiệp bất động sản gặp khó, có đất không thể triển khai dự án

Cập nhật 07/03/2019 10:30

Trong khi tìm quỹ đất để phát triển dự án, các doanh nghiệp bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, nay lại tiếp tục “khổ” vì bài toán có đất nhưng không thể làm vì nhiều vướng mắc thủ tục và cơ chế.

Dự án ngày càng ít

Ghi nhận của báo Thế Giới Tiếp Thị Online, ngay đầu năm 2019, tình hình khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường bất động sản TP.HCM đã nhìn thấy rõ nét.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dự báo tình hình nguồn cung sản phẩm ra thị trường 2019 không mấy khả quan. Các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng "dạt" dần về các vùng ven và tỉnh lẻ. Thị trường TP.HCM, các doanh nghiệp sẽ tập trung bán các sản phẩm còn tồn đọng thay vì phát triển dự án mới.

Trước đó, cuối tháng 12/2018, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp… và các cơ quan ban ngành, HoREA đã thống kê năm 2018 có 124 dự án nhà ở thương mại, giảm 12,7% so với năm 2017, 14 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 30 dự án, chấp thuận đầu tư 80 dự án.

Năm 2018, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho chuyển nhượng 17/25 dự án bất động sản (M&A) giảm 15% so với năm 2017.

Chỉ có 77 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai gồm có 28.316 căn nhà. Trong đó, có 27.166 căn hộ và 1.200 căn nhà thấp tầng, với tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng. Tập trung nhiều nhất tại quận 2 (10 dự án), quận 7 (10 dự án), quận 9 (8 dự án), quận Gò Vấp (8 dự án), quận 8 (7 dự án), quận Thủ Đức (6 dự án), huyện Bình Chánh (6 dự án), các quận Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú (mỗi quận 4 dự án).

Trong đó, phân khúc cao cấp có 8.502 căn, chiếm tỷ lệ 30%; phân khúc trung cấp có 12.833 căn, chiếm tỷ lệ 45,3%; phân khúc bình dân có 6.981 căn, chiếm tỷ lệ 24,7%. Số lượng dự án giảm 18 dự án, tỷ lệ giảm 13%;

Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 16.675 căn, tỷ lệ giảm đến 34,1%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 2.485 căn, tỷ lệ giảm 22,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỷ lệ giảm đến 34,2%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%.

Các dự án mở bán trên thị trường ngày càng ít

Từ những thông số trên cho thấy, hiện nay thị trường bất động sản đang có dấu hiệu đi xuống ở tất cả các phân khúc. Tuy không xuất hiện "bong bóng" nhưng việc các công ty, doanh nghiệp không tung ra sản phẩm mới cũng là một tác động khiến thị trường thay đổi.

Khó khi pháp lý còn nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của CBRE, DKRA hay JLL Việt Nam, năm 2019, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng săn quỹ đất tại các tỉnh lớn để phát triển dự án, nhưng vì vị trí ở khá xa trung tâm TP.HCM nên phân khúc phát triển chủ yếu là tầm trung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay vẫn phải “bỏ đất trống” khi dự án còn vướng nhiều thủ tục pháp lý chưa được thông qua.

Dự báo đến khoảng quý 2 và 3/2019, một số dự án mới được "bung hàng", tuy nhiên đó cũng chỉ là thời gian dự kiến từ phía doanh nghiệp, còn hầu hết cũng chờ đợi hoàn thiện xong thủ tục pháp lý mới chào bán.

Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online, một CEO doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại quận 1 cho biết: "Nhiều năm nay, việc tìm kiếm quỹ đất sạch tại khu vực TP.HCM đã khó, việc xin pháp lý để hình thành dự án lại càng khiến doanh nghiệp “đau đầu” hơn vì thời gian kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời nên việc ra hàng cũng bị chậm trễ. Hiện tại, chúng tôi có quỹ đất để phát triển dự án nhưng vẫn chưa thể triển khai vì còn vướng thủ tục pháp lý".

Cùng rơi vào bài toán có đất nhưng không thể triển khai, đại diện một công ty bất động sản tại quận 3 cho biết hiện đang triển khai một dự án trên địa bàn phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) nhưng còn vướng mắc.

Cụ thể, để dự án này hoàn chỉnh thì cần có các tuyến đường kết nối giao thông với các tuyến quy hoạch tiếp giáp. Dù đã xin tự nguyện ứng vốn thực hiện trước việc đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch, tuy nhiên, đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa chấp thuận về mặt chủ trương.

Hay trường hợp khác, đại diện một sàn chuyên môi giới bất động sản tại TP.HCM cho hay, việc các chủ đầu tư vướng mắc pháp lý, hoặc chủ trương chậm triển khai là việc khó hiện nay. Nếu như doanh nghiệp không được phê duyệt phát triển dự án thì các sàn môi giới không dám nhận sản phẩm và bán vì sai quy định, nhiều rủi ro sẽ xảy ra với khách hàng dự án vướng pháp lý. Thậm chí nhiều doanh nghiệp có đất cũng gặp khó khi xin thủ tục xây dựng vì phải chờ chủ trương, chờ phê duyệt.
Nhiều doanh nghiệp có đất nhưng không thể triển khai dự án vì rào cản pháp lý

Để giải quyết "bài toán trên", tại cuộc gặp gỡ giữa Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đã nêu nhận định, nguồn cung khan hiếm là thực tế đang diễn ra trên thị trường TP.HCM, nhất là ở phân khúc vừa túi tiền. Ngay cả ở phân khúc cao cấp, trung cấp vốn áp đảo thị trường những năm qua thì đến giai đoạn hiện tại cũng khá ít dự án mới được chào bán.

Thực tế cho thấy đầu năm 2019 đến nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt các sàn giao dịch bất động sản vẫn “im tiếng” khi không có dự án mới, hoặc có quỹ đất nhưng chưa thể bung hàng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung của thị trường nói chung. Vì thế, HoREA đề xuất thêm nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc pháp lí để giải quyết bài toán nguồn cùng thị trường thiếu hụt, doanh nghiệp có đất mà không thể triển khai dự án.

Cũng tại cuộc gặp gỡ trên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm để thị trường có nguồn cung mới, doanh nghiệp phát triển bền vững thì cần sự hỗ trợ từ chính sách, cơ chế của nhà nước. Những đề xuất này đã được lãnh đạo TP.HCM ghi nhận và hứa sẽ sớm xem xét để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn – Theo TGTT