Top

Đô thị cho người chết

Cập nhật 19/01/2010 09:25

Đại lộ trong khu nghĩa trang công viên Bình Dương - Ảnh: Q.T

Hàng loạt công viên nghĩa trang hoành tráng, đẹp đẽ như những khu đô thị mới nhanh chóng ra đời trên khắp cả nước. Thị trường mua bán, đầu tư huyệt mộ cũng sôi động hẳn lên.

Xu hướng mới

Việc xây dựng công viên nghĩa trang đối với nhiều nước trên thế giới thật ra không phải là mới. Tuy nhiên ở VN, các công viên nghĩa trang đúng nghĩa chỉ mới nở rộ trong vài năm gần đây.

Đầu tiên phải kể đến là nghĩa trang hoa viên Gò Đen tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An). Đây là mô hình nghĩa trang tư nhân có tổng diện tích trên 75 ha, vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, được thiết kế hiện đại với cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, hoa cỏ.

Ngoài nhà tang lễ, nhà hỏa táng, giữa khuôn viên còn có một ngôi chùa trang nghiêm. Hồ sơ các ngôi mộ được quản lý bằng phần mềm vi tính. Thế nhưng so với các công viên nghĩa trang ra đời sau này thì nghĩa trang hoa viên Gò Đen chỉ còn biết ngậm ngùi xếp sau cả về vốn đầu tư lẫn diện tích.

Khởi công từ năm 2007, nghĩa trang công viên Bình Dương có quy mô giai đoạn đầu là 190 ha với số vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng. Nhìn từ bên ngoài, nghĩa trang công viên Bình Dương đẹp như một khu du lịch.

Nghĩa trang được thiết kế, quy hoạch tỉ mỉ theo đúng tiêu chuẩn đô thị với tượng đài, đại lộ, chùa Đại An cao 9 tầng để lưu trữ tro cốt, đài hỏa thiêu áp dụng công nghệ mới của châu Âu. Nghĩa trang cũng quy hoạch các khu riêng biệt dành cho các đối tượng khác nhau, như khu dành cho người có công với đất nước và cán bộ cao cấp, khu dành cho người Hoa, khu dành cho người theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, người không tín ngưỡng...

Trong năm 2009, một nghĩa trang công viên khác cũng đã được khởi công tại tỉnh Tây Ninh có tên gọi là Sơn Trang Tiên Cảnh. Với số vốn 120 triệu USD, lần đầu tiên một nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư dự án xây dựng nghĩa trang rộng 100 ha. Nghĩa trang này sẽ có đầy đủ các hạng mục đài hỏa táng, bia mộ, công viên, khu lưu giữ tro cốt, và thậm chí cả khu khách sạn nhà nghỉ cho thân nhân từ xa đến viếng.

Thị trường sôi động

Đất cho người chết không hề rẻ, nhất là những vị trí được coi là đắc địa, mặt tiền và thuận tiện thăm viếng. Tại nghĩa trang Gò Đen, loại mộ phổ thông có giá 15 triệu đồng/mộ, loại 1 cao cấp có giá 25 triệu đồng/mộ... Phần mộ có giá cao nhất tại đây lên đến 550 triệu đồng.

Ở nghĩa trang công viên Bình Dương, các vị trí ở khu B2 có giá khoảng 50 - 80 triệu đồng/mộ, có vị trí giá gần 200 triệu đồng/mộ chưa tính tiền xây mộ. Tại khu K là khu mộ dành cho cả gia tộc, giá đất từ hơn 100 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng/lô... Không hạn chế số huyệt mộ được mua, được phép sang nhượng quyền sử dụng, cách kinh doanh của các chủ đầu tư nghĩa trang công viên đã tạo nên một thị trường mua bán nơi an nghỉ của người chết sôi động, đồng thời đẩy giá mộ huyệt tăng cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều đại gia trước đây mua bán bất động sản nay chuyển sang mua đầu tư một lúc cả trăm huyệt mộ để chờ lên giá, sang nhượng lại. Tìm kiếm trên mạng internet, không khó để gặp những lời rao bán huyệt mộ.

Chẳng hạn như ở nghĩa trang Bình Dương, huyệt mộ mặt tiền đại lộ Vĩnh Hằng được rao bán giá gần 124 triệu đồng/cái; huyệt mộ xung quanh chùa Đại An giá gần 188 triệu đồng/cái. Có người còn rao đang sở hữu 12 ô mộ tại nghĩa trang công viên Bình Dương nằm ở vị trí rất đẹp với giá trên 22 triệu đồng/mộ. Tình trạng đầu cơ, kinh doanh đất người chết đã khiến cho giá huyệt mộ tăng lên so với thực tế. Nhiều nghĩa trang chưa xây dựng hoàn chỉnh đã tung ra bán. Đô thị cho người chết vì vậy vẫn lâm cảnh hàng khan hiếm, giá cao vì giới đầu cơ đến mua trước, "xí phần" và sang tay kiếm lời.
 

Hà Nội: Nhiều công viên nghĩa trang đang được đầu tư

Ông Hoàng Thành Thái - Trưởng ban phục vụ tang lễ Hà Nội - cho biết, ngoài những nghĩa trang của các xã (phường), quận (huyện), trên địa bàn thành phố hiện chỉ có nghĩa trang Văn Điển và Thanh Tước là tổ chức địa táng, trong đó nghĩa trang Thanh Tước chỉ phục vụ cán bộ trung cao cấp khi họ qua đời.

Tuy nhiên, dự kiến đến 30.6 tới, thành phố sẽ đóng cửa nghĩa trang Văn Điển phục vụ việc nâng cấp thành công viên nghĩa trang, chỉ tổ chức hỏa táng và lưu trữ tro cốt của người quá cố, chấm dứt hình thức chôn cất địa táng. Trong khi đó, nghĩa trang Thanh Tước cũng chỉ cầm cự việc tiếp nhận các trường hợp địa táng đến hết tháng 3 năm nay. Việc đáp ứng nhu cầu địa táng của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Hiện đã có 2 dự án đang được gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng. Một dự án ở huyện Ba Vì rộng khoảng 600 ha và một dự án ở huyện Sóc Sơn giai đoạn 1 quy mô trên 50 ha", ông Thái nói.

Các nhà đầu tư khác cũng đang quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh khá mới này, khi có 6 - 7 dự án công viên nghĩa trang đang trong quá trình xúc tiến đầu tư. Trong đó, dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên (tại Hòa Bình) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu làm chủ đầu tư đã bắt đầu bán các khu phần mộ cho khách hàng.

Nghĩa trang rộng 98 ha, tọa lạc trên các ngọn đồi tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, gồm 70% diện tích dành cho khuôn viên và 30% dành cho việc xây mộ. Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc kinh doanh của dự án cho biết: "Mức giá trung bình cho mỗi phần mộ là 30 triệu đồng. Chúng tôi mới mở cửa bán hàng được 2 tháng nhưng đã có 70 hợp đồng được ký kết".


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên