Sân bay Cần Thơ hiện vẫn chưa khai thác hết công suất. Ảnh: Thanh Niên.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 236/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những thay đổi quan trọng, trong đó, đáng chú ý là việc cắt giảm 3 sân bay trong quy hoạch từ nay tới 2020 và giảm mạnh quỹ đất dành cho hàng không, nhưng “bật đèn xanh” cho phép tăng lượng tàu bay.
Tới 2020, “cắt” 3 sân bay khỏi quy hoạch
So với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt năm 2009, bản quy hoạch vừa điều chỉnh có nhiều thay đổi lớn để bắt kịp với sự tăng trưởng rất nóng của ngành hàng không trong những năm vừa qua.
Đáng chú ý, quy hoạch các sân bay cũng có sự điều chỉnh lớn khi đến 2020 đưa vào khai thác 23 cảng hàng không trong đó có 13 quốc tế, 10 nội địa. So với trước, 3 sân bay gồm Nà Sản, Lào Cai và Vũng Tàu bị đưa ra khỏi quy hoạch và quỹ đất trong quy hoạch cũng giảm từ mức 23.000ha xuống còn 13.321ha.
Cụ thể, đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không (CHK) gồm 13 CHK quốc nội và 10 CHK quốc tế, trong đó 4 CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế. Khu vực miền Bắc sẽ có 7 CHK gồm 4 CHK quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh) và 3 CHK quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới). Khu vực miền Trung cũng có 7 CHK gồm 3 CHK quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 CHK quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà), còn khu vực miền Nam có 9 CHK gồm 3 CHK quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 6 CHK quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Đến năm 2030, khai thác hệ thống 28 CHK gồm 15 CHK quốc nội và 13 CHK quốc tế, trong đó 5 CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế. So với quy hoạch cũ, số lượng và cơ cấu sân bay có sự thay đổi.
Sân bay quốc nội bớt sân bay Vũng Tàu và bao gồm các sân bay Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Con Đảo. Còn sân bay quốc tế bổ sung 3 sân bay Vân Đồn, Thọ Xuân, Vinh, bên cạnh các sân bay có trước gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. Dù số lượng sân bay tới năm 2030 tăng 2 sân bay nhưng quỹ đất giảm gần 4.000ha từ 25.000ha xuống còn 20.751ha.
Đổi quy hoạch để chấm dứt nguy cơ “thừa sân bay”?
Dù cơ cấu lại hệ thống sân bay nhưng đội tàu bay được “bật đèn xanh” để tăng lên khá nhiều về số lượng từ mức 150 chiếc từ nay tới 2020 lên 220 chiếc và tới năm 2030 đội bay được phép tăng lên 400 chiếc thay vì 250 chiếc như quy hoạch trước. Việc điều chỉnh này được nhận định là gỡ khó cho các hãng hàng không vốn đã mạnh tay đầu tư phát triển đội tàu bay.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng có sự thay đổi về cơ cấu vận tải khi ưu tiên vận tải hành khách. Theo đó, tổng thị trường vận chuyển hành khách được điều chỉnh tăng trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 (tăng 2% so với trước) và 8%/năm giai đoạn 2020-2030 (tăng 0,5%), tổng thị trường vận chuyển hàng hoá được giữ nguyên với mức tăng 18%/năm giai đoạn 2015-2020, và 12%/năm giai đoạn 2020-2030.
Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không VN đến năm 2020 đạt 64 triệu hành khách, tăng 1 triệu hành khách so với trước và đến năm 2030 đạt 131 triệu hành khách.
Quy hoạch mới có sự điều chỉnh về cơ cấu vận chuyển. Cụ thể, sản lượng khai thác các cảng hàng không đạt khoảng 131 triệu hành khách/năm, tăng 8 triệu hành khách so với trước nhưng sản lượng khai thác hàng hoá giảm nhẹ từ mức 3,1 triệu tấn xuống còn 2,2 triệu tấn hàng hoá/năm. Đến 2030, sản lượng qua các cảng hàng không đạt 280 triệu hành khách/năm, tăng 20 triệu so với quy hoạch trước nhưng sản lượng hàng hoá thông qua giảm 4,7 triệu tấn/năm xuống còn 6,8 triệu tấn hàng hoá/năm.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết trong đó việc cắt 3 sân bay khỏi quy hoạch tới 2020 là tất yếu vì không kịp huy động vốn. Mật độ sân bay tại Việt Nam đang thuộc dạng dày đặc nhất thế giới nên phải tính toán để khai thác sao cho hiệu quả với các phương thức vận tải khác.
Chưa chốt phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 27.2, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp về việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất với sự tham dự của nhiều bộ ngành liên quan cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Tại cuộc họp, ADPI, đơn vị tư vấn nước ngoài được thuê để rà soát quy hoạch đưa ra báo cáo đánh giá về 7 phương án từng được đề xuất trước đây và dự đoán đến 2025 Tân Sơn Nhất sẽ khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm, đồng thời kiến nghị cải thiện hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn... Báo cáo này nhận được các ý kiến trái chiều từ các bên. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu điều chỉnh các phương án để Bộ GTVT báo cáo, trình Thủ tướng quyết định.
DiaOcOnline.vn theo Laodong.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: