Top

Điểm sáng phát triển tại Đông Nam Bộ

Cập nhật 29/05/2012 13:00

Là đầu mối giao thông của toàn vùng, Đồng Nai hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước.

Với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2012 gấp 3 lần mức trung bình của cả nước, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2011, Đồng Nai nổi lên như một điểm sáng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sức hút từ quy hoạch “địa lợi”


Thông thường, sự phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của những quốc gia tiên tiến trên thế giới đều hướng về những nơi có cảng biển, cảng hàng không hoặc thuận tiện về giao thông đường bộ. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Theo quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang), hướng phát triển về phía Đông của TP. HCM được Chính phủ đặc biệt quan tâm do hệ thống giao thông tiện lợi sẵn có như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, đồng thời gần cảng Hiệp Phước, Cát Lái, cảng Phước An, cảng Thị Vải, Cái Mép…

Gần đây, nhiều tuyến đường bộ hiện đại khác cũng được rầm rộ xây dựng qua Đồng Nai, kết nối địa phương này với các trung tâm kinh tế khác. Các tuyến giao thông này gồm có: cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Dây, Biên Hoà - Vũng Tàu, Long An - Nhơn Trạch - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng vốn đầu tư đến 12 tỷ USD, khi hoàn thành sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership của Úc, sân bay Long Thành sẽ thu hút hàng ngàn lao động và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, văn hóa của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Gần đây nhất, theo quy hoạch TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai cũng được xác định sẽ là vùng đô thị, công nghệ kỹ thuật cao, là trung tâm dịch vụ, đào tạo, y tế, vùng cảnh quan sinh thái rừng quốc gia.

Có thể nói, Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của toàn vùng, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những đầu tàu kinh tế và là địa phương có tốc độ phát triển nhanh trong cả nước.

Với vị trí cửa ngõ TP. HCM, huyết mạch của các tuyến giao thông trọng điểm, Đồng Nai đang trở thành điểm đến của nhiều dự án bất động sản

Trên đường trở thành đô thị lớn của cả nước

Cũng giống như TP. HCM, Đồng Nai là đô thị công nghiệp - dịch vụ - cảng được đầu tư phát triển mạnh trong một thời gian dài. Chính điều này đã tạo những tiềm lực kinh tế vững chắc và có chiều sâu cho vùng đất này. Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý và hạ tầng cơ sở, Đồng Nai còn được đánh giá cao ở yếu tố con người.

Là địa phương đi đầu phát triển hạ tầng công nghiệp trong cả nước, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 34 khu công nghiệp cùng hệ thống liên cảng nước sâu Vũng Tàu - Thị Vải - Gò Dầu - Phước An. Đồng thời, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng thể hiện rõ quyết tâm đổi mới qua các chính sách cởi mở nhằm thu hút đầu tư và nhân lực chất lượng cao. Do vậy, Đồng Nai đã thu hút được một lượng lớn lao động nhập cư từ các địa phương khác đến làm việc, học tập và an cư lạc nghiệp.

Kéo theo sự phát triển dân số nhanh cả về số lượng và chất lượng là quá trình chuyển dịch cơ cấu dân số và đô thị hóa mạnh mẽ. Đồng Nai hiện có hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị đã và đang được quy hoạch, triển khai đồng bộ với quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm héc-ta. Những dự án này tập trung phần lớn tại khu vực Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và hứa hẹn sẽ trở thành các đô thị vệ tinh của TP. HCM trong tương lai. Các đô thị kiểu mẫu này đã dần thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời tạo nên diện mạo mới của thị trường bất động sản khu vực miền Đông Nam Bộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán