Bốn tuần qua, TP HCM ít dự án nhà đất mới chào bán, rổ hàng sẽ ồ ạt tung ra từ tháng 8 Âm lịch đến cuối năm.
Khảo sát của VnExpress, trong tháng 7 Âm lịch vừa qua, chỉ có một số ít dự án nhà ở mới được chào bán tại Sài Gòn và đa phần đều là quy mô từ rất nhỏ 100 - 200 căn đến quy mô vừa dưới 600 căn một dự án.
Công ty cổ phần đầu tư Nam Long dù đang nắm trong tay nhiều dự án khủng, nhưng tháng Ngâu vừa qua doanh nghiệp chỉ mở bán dự án trên trục đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, quy mô 518 căn vào ngày 11-12/8, ngay đầu tháng 7 Âm lịch.
Để tránh yếu tố tâm lý ngại giao dịch trong tháng "kỵ ra tiền" của đại đa số người Việt, công ty chỉ bán đợt đầu 273 căn, cho khách đặt cọc theo số phong thủy lộc phát (68 triệu đồng) để khách hàng lấy may. Lượng căn hộ còn lại thuộc dự án này chờ qua tháng Ngâu mới xả hàng.
Công ty Đông Sài Gòn (thành viên của DRH Holdings) cũng tung dự án tại quận 9 giữa tháng Ngâu (19/8 nhằm ngày 9/7 Âm lịch). Song dự án này có quy mô rất nhỏ, tọa lạc trên khu đất 3,47 ha, gồm 139 căn nhà liền thổ nên nhanh chóng được tiêu thụ.
Cá biệt là trường hợp của Công ty Hưng Thịnh, có trụ sở tại TP HCM, đã mở bán giai đoạn đầu dự án hơn 3.600 nền đất sổ đỏ ngay trong tháng 7 Âm lịch. Do dự án nằm ở Đồng Nai, giá trị sản phẩm rẻ hơn Sài Gòn, dưới một tỷ đồng một nền nên vẫn hút khách.
Số lượng công ty bất động sản tại TP HCM mở bán dự án mới ra thị trường trong tháng Ngâu khá khiêm tốn trong khi trước đó, dù thị trường đang giảm tốc, trung bình mỗi tháng rổ hàng mới đều có cả chục chủ đầu tư đua nhau công bố dự án mới. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm trong tháng 7 Âm lịch và hàng mới tung ra cũng nhỏ giọt nên sức tiêu thụ khá tốt.
Bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Nhiều công ty bất động sản chọn cách an toàn là công bố thông tin sơ bộ về dự án mới trong tháng 7 Âm lịch, lấy thông tin đăng ký của khách hàng quan tâm, tuy nhiên không mở bán, cũng chưa vội nhận tiền đặt chỗ mà hẹn sang tháng 8 Âm lịch mới bắt đầu chọn ngày ra quân chính thức.
Tổng giám đốc Công ty Sea Real Trần Hiền Phương cho biết, yếu tố tâm lý tác động rất lớn đến người Việt khi họ tiến hành các hoạt động mua bán nhà đất. Đặc biệt trong tháng 7 Âm lịch, còn được dân gian gọi là tháng cô hồn, người dân bị ám ảnh tâm lý "tiền đi dễ khó về", khó sinh sôi nảy nở, cả bên bán lẫn bên mua đều ít nhiều có sự kiêng kỵ, hạn chế giao dịch.
Trường hợp các dự án quy mô nhỏ có thanh khoản tốt giữa tháng 7 Âm lịch được ông Phương lý giải, tỷ lệ hấp thụ này chỉ phản ánh được một phần nhỏ nhu cầu to lớn của thị trường nhà đất TP HCM. “Một bộ phận người dân, nhà đầu tư đã có tâm lý thoáng hơn nên vẫn tham gia giao dịch mà không còn nặng nề chuyện kiêng tháng cô hồn, nhưng so với toàn thị trường đây vẫn chỉ là những mẫu thử rất nhỏ”, ông nói.
Ông Phương xác nhận, trên thực tế, có nhiều chủ đầu tư đã né tháng 7 Âm lịch bằng cách chào bán sản phẩm trước thời điểm nhiều người kiêng kỵ. Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) mở bán dự án tại quận 8 vào ngày 5/8, nhằm ngày 24/6 Âm lịch, còn An Gia đã bán dự án trước Danh Khôi một hôm, tức cách tháng Ngâu khoảng một tuần. Hưng Lộc Phát, Phú Long, Phú Đông thậm chí đã tung sản phẩm từ quý II.
Đặc biệt, có nhiều chủ đầu tư ém hàng đến tận cuối quý III/2018, tức đã bước qua tháng 8 Âm lịch mới ồ ạt ra hàng. Chuyên gia này dự báo, vào quý IV, được xem là mùa cao điểm bán hàng của ngành địa ốc, tâm lý thị trường cũng cởi mở hơn, sẽ có rất nhiều công ty bất động sản nhập cuộc đua xả hàng. Đây được xem là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của các chợ địa ốc khắp TP HCM và những tỉnh phụ cận.
Nguồn cung được bung ra tại TP HCM vào cuối năm 2018 sẽ tăng mạnh có thể dao động trong ngưỡng trên dưới 15.000 sản phẩm do hàng loạt các dự án quy mô cực lớn ở khu Đông (tâm điểm là quận 9) và khu Nam (chủ yếu là quận 7) cùng khu vực trung tâm quận 1 sẽ được tung ra thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: