Top

Địa ốc không phải là “ốc đảo”

Cập nhật 15/08/2013 11:24

Việc xem xét, mở rộng hơn nữa điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu được mua nhà tại Việt Nam theo đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, được xem là giải pháp góp phần giải quyết đầu ra, xoá dần hình ảnh về một thị trường bất động sản Việt Nam như là một “ốc đảo” trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, quy định hiện hành về vấn đề này còn khá chặt khi chỉ cho phép 5 nhóm đối tượng người nước ngoài có thể mua nhà ở tại Việt Nam.


Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu được mua nhà tại
Việt Nam có thể phá thế ốc đảo của địa ốc

 
Trong khi đó, còn nhiều nhóm đối tượng người nước ngoài khác có nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.

Đó là những người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc dưới 1 năm; người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho cơ sở giáo dục tư nhân...

Có thể do quy định còn chặt, nên đến hết quý II/2013, cả nước mới có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa... Trong đó, cá nhân là người nước ngoài chiếm 80%, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt là trong số 108 trường hợp đầu tư mua nhà ở tại Việt Nam, chủ yếu là cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân là người nước ngoài trực tiếp đầu
tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 15%). Cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên còn ít hơn (chỉ chiếm khoảng 5%).

Như vậy, trong số những nguyên nhân dẫn đến việc khiến không có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có nguyên nhân từ chính sách về đất đai. Cụ thể, quy định hiện hành chỉ cho phép chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước.

Với trường hợp người nước ngoài phải di chuyển do làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng. Quy định cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong thời gian 50 năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời gian ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cũng không khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, sẽ rất khó để thuyết phục người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam nếu họ không có quyền sở hữu, chuyển nhượng, cho thuê... trong khi tại phần lớn các quốc gia khác, những quyền này là đương nhiên. Tất nhiên, còn một lý do quan trọng khác là giá bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM – nơi có nhiều người nước ngoài sống và làm việc - hiện cao hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận như Thái Lan (6,3 lần), Singapore (5,2 lần). Do vậy, hầu hết những người nước ngoài sống tại Việt Nam lựa chọn giải pháp thuê nhà thay vì mua nhà.

Sau gói giải pháp kích thích thị trường bất động sản mà Chính phủ đưa ra hồi đầu năm nay, đề xuất nới rộng hơn nữa điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu được mua nhà tại Việt Nam có thể tạo sự thay đổi về chất, góp phần xử lý hàng tồn, đồng thời khơi thông đầu ra trên thị trường địa ốc hiện nay. Việc đưa ra các quy định hợp lý về vấn đề này còn đưa thị trường bất động sản Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư