Thị trường địa ốc Đà Nẵng đang có xu hướng phục vụ những người có nhu cầu nhà ở thực sự. Ảnh: Đ.T Các nhà đầu tư lớn thận trọng hơn khi rót vốn vào các “cơ hội vàng” tại Đà Nẵng.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam nhận định: “Đã đến lúc, chúng ta phải thấy nhạc sẽ tắt, ánh đèn màu thôi nhấp nháy và thị trường bất động sản trở về với hiện trạng khó khăn của nó”. Mới đây, công ty này tuyên bố sẽ ngưng đầu tư vào các quỹ nhà ở cao cấp tại Việt Nam, để định hướng vào những dòng sản phẩm địa ốc khác, trong đó có phân khúc cao ốc văn phòng cho thuê.
Thay đổi sách lược của CBRE thể hiện sự đánh giá nghiêm túc hơn về những “cơ hội vàng” đối với các quỹ đất mới. Trong đó, bất động sản Đà Nẵng, từng được xem là hấp dẫn, đang phải nhìn nhận lại.
Một dải dự án bất động sản du lịch ở vùng này bắt đầu khai thác từ năm 2007, hiện đã lộ rõ khó khăn. Những nhà đầu tư hăm hở ở giai đoạn đầu, nay đang chật vật mời gọi người mua. Bên cạnh các lý do như thời tiết, vị trí không hẳn đắc địa và hạ tầng xã hội còn kém, thì việc giá cả bị “thổi lên” theo “kịch bản” của các nhà môi giới và nhà đầu tư thứ cấp là một nguyên nhân quan trọng làm các dự án tại đây khó chuyển nhượng.
Mặc dù khung giá nhà đất tại Đà Nẵng hiện khá “mềm” so với nhiều địa phương khác, song các nhà đầu tư cho biết, giá đất tại đây đã tăng nhiều lần so với trước đây và mức giá này hiện cao hơn nhiều so với giá trị thực, nên không hấp dẫn đối tượng cần mua nhà ở thực sự. Một khoảng thời gian dài, các nhà môi giới và đầu tư thứ cấp hiện diện tại đây đã liên tục tạo thông tin “thổi” giá, khiến giá địa ốc đẩy lên nhiều lần.
“Một cái chợ thường chỉ tồn tại khi hàng hóa ở đó chủ yếu phục vụ người tiêu dùng quanh đó. Thị trường bất động sản Đà Nẵng đã dựa quá nhiều vào khách hàng ở xa, chủ yếu là những người đầu cơ, nên khi nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng này giảm, tất yếu thị trường phải tìm cách quay về giá trị thực, phục vụ những người có nhu cầu mua để ở, chứ không phải mua đi bán lại”, giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Đà Nẵng nhìn nhận.
Đại diện Tập đoàn Vinaconex, đơn vị vừa khởi công dự án nhà ở phức hợp bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng) tháng 10 vừa qua cho biết, từ kinh nghiệm quá khứ ở các dự án như khu Linh Đàm (Hà Nội), Vinaconex luôn xác định rõ đối tượng khách hàng trước khi khai thác quỹ đất. Vì thế, các căn hộ chung cư bán tại Đà Nẵng của Vinaconex được tính toán cân đối sát với túi tiền của người dân địa phương và các đối tượng muốn định cư ở Đà Nẵng.
“Nhà đầu tư không kỳ vọng lôi kéo những người có nhu cầu mua nhà từ Hà Nội hay TP.HCM tới, bởi đó sẽ chủ yếu là giới đầu tư thứ cấp mua đi bán lại. Nếu chấp nhận sự có mặt của họ, giá nhà sẽ từ từ nâng lên và hậu quả là dự án sẽ đứng chững chỉ sau khi bán được khoảng 40%”, vị đại diện này cho biết.
Lựa chọn của Vinaconex, xem ra, cũng là cách mà các chủ dự án lớn như Thành Đô, Tân Cường Thành, Trung Nam Group… đang đầu tư ở Đà Nẵng tính đến. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, Dự án Golden Hills đang triển khai phía Bắc Đà Nẵng của đơn vị này chủ yếu nhắm đúng các đối tượng có nhu cầu nhà ở tại chỗ, nên sẽ áp dụng chính sách giá hợp lý, có chế độ hỗ trợ thanh toán kéo dài. Đơn vị này thậm chí dự kiến sẽ lên kế hoạch truyền thông dài hạn để giải thích rõ những cơ hội sống tốt hơn cho người dân địa phương đăng ký đất ở dự án, chứ không nhằm vào giới môi giới hay đầu tư bán lại.
Rõ ràng, tình hình thị trường địa ốc đang tác động mạnh đến các nhà đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng và miền Trung, buộc họ thay đổi cách khai thác. Ông Marc Townsend cho rằng, diễn biến bất lợi này sẽ kéo sang năm 2012, vì thế, các dự án khai thác quỹ đất tiếp tục chuyển động chậm, xoay dần về giá trị thật, hướng tới những người có nhu cầu mua để ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: